Cụ thể, dịch bệnh châu Phi xảy ra dịch tại 1 hộ ở thôn Phước Thành, xã Tân Hòa, thị xã Phú Mỹ, tổng đàn khoảng 700 con, hiện tiêu hủy 36 con bệnh. Chi cục tiếp tục cử cán bộ theo dõi diễn biến ổ dịch để có biện pháp xử lý. Đây là trại chăn nuôi chuồng hở, vị trí chăn nuôi gần mặt đường liên huyện, an toàn sinh học chưa đảm bảo.
Hiện việc phòng chống dịch đã và đang được ban ngành, địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định. Hiện giá lợn thịt xuống thấp chỉ còn từ 28.000 – 32.000 đồng/kg, khó khăn trong tiêu thụ. Lợn nái loại thải giá hạ xuống rất thấp chỉ còn từ 10.000 – 13.000 đồng/kg, tiêu thụ rất chậm.
Hiện các hộ, trại chăn nuôi lớn nhỏ của địa phương phải liên tục tiến hành tiêu độc, khử trùng trại nuôi. Không chỉ vậy mà khu vực bán lợn của các chợ; các lò mổ cũng phải phun xịt khử trùng mỗi ngày. Việc vận chuyển lợn ra, vào xã đều phải lấy mẫu xét nghiệm. Trường hợp kết quả âm tính mới được cấp giấy phép.
Theo ông Lê Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (ngày 19/6) đến nay (ngày 6/8) trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xuất hiện 173 ổ bệnh dịch tả lợn châu phi tại 39 địa bàn cấp xã của 7 cấp huyện, buộc phải tiêu hủy 3.860 con với tổng trọng lượng tiêu hủy là 261.208 kg.
Trong ngày 6/8, địa phương phát hiện 24 trường hợp lợn nghi ngờ nhiễm bệnh tại thị xã Phú Mỹ, huyện Châu Đức và Đất Đỏ.
Trong khi đó, UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành quyết định hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy và mức hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy trước ngày 27/6 do dịch tả lợn châu Phi được hỗ trợ 90% giá thị trường tại địa phương (40.000 đồng/kg lợn hơi). Người chăn nuôi có lợn tiêu hủy sau ngày 27/6, tỉnh hỗ trợ theo Quyết định 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, người chăn nuôi, hộ nông dân, cơ sở chăn nuôi có lợn tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi được hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt; 30.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác. Riêng các doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, được hỗ trợ 8.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt bị tiêu hủy và 10.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực, với mức hỗ trợ tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).
Tỉnh hỗ trợ người làm công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi; đối với lực lượng trực tại các chốt kiểm dịch tạm thời, chốt kiểm soát dịch bệnh, người thực hiện tiêu độc khử trung tại vùng dịch, vùng khống chế, vùng đệm (phun xịt từ 30 hộ trở lên trong ngày), lực lượng tham gia phòng, chống dịch được hỗ trợ 200.000 đồng/ngày làm việc bình thường và 400.000 đồng/ngày nghỉ, lễ, tết.
Lực lượng tham gia trực tiếp tiêu hủy được hỗ trợ 300.000 đồng/ngày làm việc bình thường và 600.000 đồng/ngày nghỉ, lễ, tết…
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 5/8, toàn tỉnh đã tiêu hủy hơn 6.700 của 327 hộ chăn nuôi tại 8 huyện, thị xã, với tổng trọng lượng tiêu hủy gần 377 tấn.
Hiện, dịch tả lợn châu Phi đã có ở 62 tỉnh, thành phố trong cả nước.