Diễn biến dịch COVID-19 trong nước: Ngày 27/4, không ghi nhận ca mắc mới

Ngày 27/4, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, giữ nguyên tổng số 270 trường hợp mắc bệnh. Việt Nam cũng đã làm chủ hai phương pháp xét nghiệm COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận chất lượng.

Đến 18 giờ ngày 27/4, Việt Nam đã có 11 ngày không có ca lây nhiễm vi ruts SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Hiện có 130 ca nhiễm vi rút nhập cảnh được cách ly.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 52.428 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 323; cách ly tập trung tại cơ sở khác 11.311; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 40.794 trường hợp.

Chú thích ảnh
Kiểm soát dịch COVID-19 tại cổng bệnh viện. Ảnh: TTXVN.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, ngày 27/4, ghi nhận thêm 3 ca dương tính trở lại với vi rút SARS-CoV-2, bao gồm BN74 (nam 23 tuổi, quốc tịch Việt Nam), BN207 (nam, 49 tuổi, quốc tịch Brazil) và BN224 (39 tuổi, quốc tịch Brazil).

Trong số các ca đang điều trị, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với vi rút SARS-CoV-2 là 8 ca; số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với vi rút SARS-CoV-2 là 6 ca.

Cũng trong ngày 27/4, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết: Bộ sinh phẩm xét nghiệm bằng phương pháp PCR của Việt Nam đã được WHO, Vương quốc Anh công nhận chất lượng.

Trên thế giới đang triển khai song song hai phương pháp xét nghiệm xác định người dương tính với COVID-19 là xét nghiệm tìm gen vi rút (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh).

Phương pháp PCR có độ chính xác cao, vì phát hiện trực tiếp gen của vi rút, nên tại thời điểm dương tính thì bệnh nhân chắc chắn đang có vi rút SARS-CoV-2 trong người. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi các khâu chuyên môn hóa cao, cần có chuyên gia thực hiện với nhiều máy móc phức tạp, thời gian cho kết quả lâu (vài giờ).

Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm nhanh tìm kháng thể có thời gian ngắn, vận hành đơn giản, người làm xét nghiệm không cần thiết phải được đào tạo chuyên biệt, không cần thiết bị đặc biệt kèm theo. Tuy nhiên, phương pháp này có độ nhạy, độ đặc hiệu thấp hơn nhiều so với phương pháp PCR, dễ nhầm và bỏ sót.

Vì vậy, phương pháp PCR thường được dùng để khẳng định lại kết quả xét nghiệm kháng thể.

Trong công tác phòng chống dịch bệnh, phối hợp cả 2 phương pháp xét nghiệm phát hiện gen (PCR) và xét nghiệm tìm kháng thể (chẩn đoán nhanh) sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh nhanh, giảm tải áp lực y tế và tập trung nguồn lực vào điều trị những ca thực sự mắc COVID-19.

Về phương pháp xét nghiệm PCR, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian đầu chúng ta sử dụng nguồn sinh phẩm từ nước ngoài (từ WHO, CDC Hoa Kỳ, Đức). Sau đó, Việt Nam đã phát triển được loại sinh phẩm xét nghiệm PCR thay thế nguồn nước ngoài (sinh phẩm do Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á phát triển). Sinh phẩm này đã và đang được sử dụng chủ đạo tại Việt Nam để xét nghiệp phát hiện vi rút SARS-CoV-2.

Tới nay, Việt Nam đã xét nghiệm được khoảng 212.000 mẫu bệnh phẩm, phát hiện 270 trường hợp mắc COVID-19, tỷ lệ phát hiện dương tính khoảng 0,13%, là một trong những quốc gia có tỷ lệ phát hiện dương tính trên tổng số mẫu xét nghiệm cao nhất thế giới.

Bộ Y tế khẳng định, sinh phẩm xét nghiệm nhanh của Việt Nam hoàn toàn có thể thay thế các loại sinh phẩm tương tự của nước ngoài. Đặc biệt, sinh phẩm này được công nhận và đưa vào sản xuất hàng loạt, chúng ta có thể chủ động sử dụng cả 2 phương pháp PCR phát hiện gen vi rút và xét nghiệm nhanh tìm kháng thể để chủ động sàng lọc, sớm phát hiện người mắc COVID-19.

Phối hợp hai phương pháp xét nghiệm để ra kết quả chính xác

Cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng 27/4 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cho biết, mặc dù đã 11 ngày Việt Nam chưa có ca nhiễm trong cộng đồng, nhưng các bộ, ngành cần căn cứ vào hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế để tiếp tục rà soát, bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch theo lĩnh vực quản lý. Các địa phương cần tham khảo kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh để đưa ra các bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, phòng chống dịch phù hợp với các hoạt động trong đời sống, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh… trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi họp trực tuyến. Ảnh: Danh Lam/TTXVN.

Cho ý kiến về công tác xét nghiệm phát hiện vi rút SARS-CoV-2 để phục vụ phòng chống dịch COVID-19 thời gian tới, các ý kiến tại cuộc họp cũng cho rằng, hiện nay trên thế giới đang triển khai song song hai phương pháp xét nghiệm xác định người dương tính với SARS-CoV-2 là xét nghiệm tìm gen vi rút (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh). Để phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, cần phối hợp cả hai phương pháp. 

Đánh giá tác động của dịch COVID-19 với việc thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng

Ngày 27/4 tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả công tác phòng chống và tác động của đại dịch COVID-19 đối với các mặt công tác quân sự - quốc phòng.

Chú thích ảnh
Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ướng Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Theo Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, gây ra những tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch công tác. Tuy nhiên, trước khó khăn, năng lực chỉ huy, điều hành các mặt công tác của chỉ huy các cấp khi phải thực hiện nhiệm vụ đột xuất, quan trọng được nâng cao, tạo động lực sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Ngay từ những ngày đầu, toàn quân đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nắm chắc diễn biến tình hình, chủ động tham mưu, chỉ đạo và luôn là lực lượng trên tuyến đầu phòng chống dịch, không để dịch lây lan trong quân đội; triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động đối ngoại quốc phòng, hợp tác quốc tế, đồng thời chủ động điều chỉnh kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, duy trì các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, biên giới.

Những đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp tiếp nhận công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các quốc gia có dịch về nước phải dồn dịch nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập, huấn luyện của bộ đội, dành cơ sở doanh trại để làm khu cách ly; tổ chức, bố trí các lực lượng quản lý, điều hành tại khu cách ly, đảm bảo an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cũng tác động trực tiếp đến việc triển khai kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị ở các cấp. Nội dung giáo dục chính trị, kế hoạch tuyên truyền phải điều chỉnh, bổ sung. Công tác tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở cũng phải tạm lùi thời gian để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Lợi dụng tình hình dịch bệnh, các thế lực thù địch tiếp tục xuyên tạc, chống phá trên mặt trận văn hóa tư tưởng, trên không gian mạng...

Chủ động phương án ứng phó dịch cấp độ cao nhất

Thượng tướng Trần Đơn nhấn mạnh, thời gian vừa qua, toàn quân đã chủ động thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 như nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, “chống dịch như chống giặc”, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn quân không có trường hợp mắc COVID-19; đồng thời, khẳng định quân đội là trụ cột quốc gia, đi đầu trong giúp đỡ nhân dân phòng chống dịch, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Quân đội đã vào cuộc ngay từ đầu và thể hiện trách nhiệm cao nhất, là Quân đội của dân, hết mình phục vụ nhân dân, qua đó tiếp tục lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. “Chúng ta sống và làm việc hết mình với tinh thần không quản ngại hy sinh để ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch. Bản lĩnh, bản chất Quân đội luôn được thể hiện trước sau như một, trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, không quản ngại bất cứ điều gì kể cả hy sinh... Tinh thần này cần được quán triệt tới tất cả cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân để thực hiện nghiêm túc, bởi chính điều đó góp phần bảo vệ Tổ quốc, non sông của chúng ta, bảo vệ thành quả cách mạng”, Thượng tướng Trần Đơn nhấn mạnh.

Lý giải nguyên nhân của những thành công bước đầu trong phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam, Thượng tướng Trần Đơn cho rằng, bên cạnh sự lãnh đạo của Đảng; sự đồng lòng, chung tay của cả hệ thống chính trị; quá trình vận hành, hoạt động hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, từ cấp bộ ngành đến cơ sở, yếu tố quan trọng là Việt Nam có Quân đội trung thành, tận tụy với nhân dân, có hệ thống y tế và đội ngũ y bác sĩ tốt, “dù Việt Nam chưa phải là nước có nền y tế hiện đại như nhiều nước trên thế giới nhưng chúng ta có thừa bản lĩnh và tận tụy chăm sóc cho nhân dân, không ngại gian khổ”, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng khẳng định. 

Cho rằng dịch COVID-19 có thể còn kéo dài, diễn biến phức tạp, Thượng tướng Trần Đơn lưu ý, việc thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, nhất là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và một số nhiệm vụ chính trị quan trọng... phải được điều chỉnh kịp thời để thích nghi với yêu cầu trong giai đoạn mới của công tác phòng, chống dịch; không để dịch lây nhiễm vào trong quân đội.

Theo đó, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị cần tập trung nỗ lực cao nhất, tạo sức mạnh tổng hợp chiến thắng dịch bệnh, quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2020, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI.

Học sinh nhiều tỉnh, thành phố đi học trở lại

Sau thời gian nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, sáng 27/4, tại Ninh Thuận, học viên lớp 12 hệ giáo dục thường xuyên, học sinh lớp 9 và lớp 12 hệ giáo dục phổ thông đã đi học trở lại.

Qua ghi nhận tại các điểm trường trên địa bàn huyện Thuận Nam, các trường đã bố trí đo thân nhiệt, chuẩn bị nước sát khuẩn, nơi rửa tay bằng nước sạch có xà phòng cho học sinh trước khi vào lớp học. Học sinh cũng được bố trí chỗ ngồi, giữ khoảng cách đảm bảo an toàn theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Các em học sinh trở lại trường đều ý thức về việc phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang khi đến trường, chủ động rửa tay sát khuẩn trước khi vào lớp…

Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên tuyên truyền đến học sinh hạn chế tiếp xúc đông người; không ăn uống ở vỉa hè, hàng rong trước cổng trường; trường không tổ chức các hoạt động ngoại khóa, phối hợp với chính quyền địa phương và cha mẹ học sinh thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về khoảng cách khi đưa, đón con đi học; không tụ tập đông người trước cổng trường. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình, hiện nay tình hình phòng chống dịch COVID-19 ở tỉnh đã được kiểm soát tốt. Ninh Thuận một trong số các tỉnh có nguy cơ thấp. Do đó, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương về phương án cho sinh, sinh viên, học viên đi học trở lại để theo kịp chương trình học.

UBND tỉnh yêu cầu ngành giáo dục, chính quyền các địa phương phải tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo cũng như quy định về phòng, chống dịch COVID-19 của Trung ương, của tỉnh đến tất cả các sơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đảm bảo an toàn nhất cho cả giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh khi trở lại trường.

Tỉnh Phú Yên có 33 trường THPT, THCS với hơn 32.000 học sinh bắt đầu đi học trở lại. Học sinh khi đến lớp đều được đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn. Tiết học đầu tiên, các giáo viên chủ nhiệm và cán bộ y tế trường học hướng dẫn học sinh cách phòng chống dịch. Đơn cử, tại Trường THCS Lương Thế Vinh, nhà trường đã bố trí đầy đủ các vòi nước rửa tay bằng nước, máy rửa tay sát khuẩn tự động, chủ động chia 6 lớp với hơn 230 học sinh thành 12 lớp để đảm bảo giữ khoảng cách tối thiểu khi học sinh ngồi học.

Cùng với sự chủ động của các trường học, ngành Y tế tỉnh Phú Yên mở các lớp tập huấn cho đội ngũ y tế trường học, sẵn sàng cử các bác sĩ hướng dẫn các biện pháp nghiệp vụ để hỗ trợ các trường trong công tác khử khuẩn môi trường…

Ngoài việc chuẩn bị cho học sinh khối lớp 9 và lớp 12 quay trở lại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên cũng lên các phương án phòng chống dịch bệnh khi học sinh tất cả các khối lớp dự kiến quay lại trường vào ngày 4/5 tới.

Ngày 27/4, trên 104.000 học sinh THCS, THPT (kể cả hệ giáo dục thường xuyên) của tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã đi học trở lại. Công tác phòng chống dịch COVID-19 được các trường học chú trọng thực hiện. Cán bộ, giáo viên được nhắc nhở thường xuyên, tránh tình trạng chủ quan, lơ là với dịch bệnh. Tình trạng sức khỏe, thân nhiệt của học sinh được theo dõi thường xuyên dưới sự giám sát của cán bộ y tế và giáo viên chủ nhiệm... Các trường không tổ chức chào cờ đầu tuần, học sinh đều tự giác mang khẩu trang và tránh tụ tập...

Vân Sơn/Báo Tin tức
Chung tay hỗ trợ Bộ đội Biên phòng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19
Chung tay hỗ trợ Bộ đội Biên phòng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

Chiều 27/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban vận động chương trình “Văn hóa doanh nghiệp chung tay phòng, chống dịch COVID-19” với chủ đề “Vì Việt Nam khỏe mạnh” đã tổ chức trao tặng một số vật tư, trang thiết bị y tế cho Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng khu vực phía Nam, nhằm tri ân, hỗ trợ lực lượng Biên phòng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên các tuyến đầu biên giới phía Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN