"Diễn đàn kinh doanh có trách nhiệm đối với lương thực và nông nghiệp" lần thứ 2

"Diễn đàn kinh doanh có trách nhiệm đối với lương thực và nông nghiệp" lần thứ 2,  đã chính thức khai mạc sáng 23/6, tại Hà Nội.


TS Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.


Trong khuôn khổ ngày làm việc đầu tiên của Diễn đàn,  TS Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) Việt Nam đã có bài phát biểu kêu gọi các chính phủ, các doanh nghiệp và xã hội dân sự cùng hợp tác vì sự phát triển bền vững của nông nghiệp trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN).


Ông Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn.


Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông TYSokhun – Quốc vụ khanh Chính phủ Campuchia và ông Tan Sri Dr Munir Abdul MajidChủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh doanh ASEAN là 3 trong số 350 nhà lãnh đạo từ các Chính phủ và các doanh nghiệp quốc tế đã tham dự diễn, đàn nhằm thảo luận về những thách thức và cơ hội phát triển các hệ thống lương thực bền vững và vai trò của ASEAN trong việc cung cấp lương thực cho khoảng 9 tỷ dân thế giới vào năm 2050.


Ông Tony Gourlay – Giám đốc Điều hành Global Initiatives cho biết: “Chúng tôi đã tập trung nỗ lực phối hợp với Bộ NN & PTNT Việt Nam để xây dựng chương trình cho diễn đàn này, trong đó chú trọng vào các cơ hội đẩy mạnh hợp tác giữa các bên vì một nền nông nghiệp ASEAN bền vững hơn và cạnh tranh hơn”.


Với chủ đề ‘Khu vực ASEAN sau năm 2015: Hợp tác vì Sự Phát triển Bình đẳng’, các khách mời tham dự diễn đàn đã thảo luận về lợi ích của mối quan hệ hợp tác công tư. “Phát triển nông nghiệp bền vững trong khu vực Đông Nam Á không phải là một ưu tiên hay một hy vọng, mà đó là nhiệm vụ phải thực hiện và là trách nhiệm chia sẻ giữa các quốc gia,” Tổng Giám đốc Điều Hành Tổ chức CropLife Châu Á -Tiến sỹ Tan Siang Hee nói.


Ông Juan Farinati – Phó Chủ tịch Monsanto khu vực châu Á Thái Bình Dương cho rằng, có một “tiềm năng vô cùng lớn trong việc hợp tác và đổi mới nhằm hiện thực hóa cuộc cách mạng an ninh lương thực và dinh dưỡng, và tăng trưởng công bằng trên toàn khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, năm 2013 – 2014, chương trình hợp tác chuyển đổi đất trồng lúa sang canh tác ngô đã giúp hơn 8.000 nông dân đồng bằng sông Cửu Long tăng thu nhập thêm hơn 1 triệu đô nhờ hạt giống năng suất cao, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến và liên kết thị trường”.


Chiều  23/6, các nhóm thảo luận về 6 mặt hàng nông nghiệp cũng đưa ra các khuyến nghị trong việc phát triển chuỗi cung cấp các sản phẩm được sản xuất bền vững như trà, gạo, bơ sữa, cà phê, ngô và thủy sản. Các ý kiến chuyên môn và kinh nghiệm được chia sẻ giữa các đại biểu cấp cao trong suốt các cuộc thảo luận sẽ được tổng hợp lại trong một báo cáo ngay sau sự kiện và sẽ được trình bày tại các cuộc họp quốc tế khác trong suốt năm nay.

Phạm Thị Na
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN