Người dân bị thiệt vì cách tính giá điện?Hiện biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đang được chia làm 6 bậc theo hình thức lũy tiến. Từ số điện thứ 401 trở lên, mỗi số sẽ có giá gần 2.600 đồng, cao hơn 1.100 đồng so với 50 số đầu tiên (chỉ 1.484 đồng/số).
Công nhân Công ty Điện lực An Giang cấp điện cho các hộ dân huyện Châu Đốc. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN |
Biểu giá hiện tại có nhiều bậc thang khác khau theo nguyên tắc càng dùng nhiều càng phải trả nhiều; việc lấy giá điện ở mức tiêu thụ cao bù cho các số thấp chưa thực sự thuyết phục người tiêu dùng. Việc chia nhiều bậc thang lũy tiến từng được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến tiền điện sinh hoạt của hàng nghìn hộ dân cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 trong các tháng 5 và 6/2015 và khiến dư luận bức xức.
EVN đề xuất cải tiến, sắp xếp lại biểu giá điện sinh hoạt bậc thang theo 3 phương án.
Phương án 1 giữ nguyên 6 bậc như hiện hành. Ưu điểm của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang với sản lượng điện sử dụng càng cao sẽ ứng với mức giá điện càng cao hơn nên khuyến khích các hộ sử dụng điện tiết kiệm. Đồng thời đảm bảo hỗ trợ đối với khách hàng là hộ nghèo và hộ thu nhập thấp.
Phương án 2 quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá) là 1.747đ/kWh. Thực hiện phương án đồng giá tác động nhiều đến tầng lớp người nghèo, người thu nhập thấp do vậy cần tính toán cụ thể. Hơn nữa, áp lực tiết kiệm điện ở phương án đồng giá không cao.
Phương án 3 rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 hoặc 4 bậc. Ưu điểm của phương án này là khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Tuy nhiên, khách hàng sử dụng càng nhiều điện trong tháng càng thanh toán tiền điện với giá cao hơn. Trong đó, với phương án rút gọn biểu giá về 3 bậc thang (kịch bản 2), các hộ sử dụng 50kWh và 100kWh/tháng bị tác động không đáng kể. Thực hiện phương án này, những hộ bị tác động tăng giá điện chủ yếu là những hộ gia đình sử dụng điện trung bình từ 107kWh/tháng đến 233,88kWh/tháng. Với phương án rút gọn biểu giá về 4 bậc thang (kịch bản 5), các hộ sử dụng đến 50kWh/tháng không bị tác động. Các hộ bị tác động tăng tiền điện sử dụng ở các mức từ trên 50kWh-100kWh và 300kWh/tháng. |
Khẳng định thủ phạm khiến giá điện tăng cao chính là do cách tính tiền điện lũy tiến tới 6 bậc. Theo TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích, nói là giá điện tăng trung bình từ 16/3 chỉ ở mức 7,5% (tương đương với 1.622 đồng/kWh), nhưng với người sử dụng từ 400 kWh trở lên, giá điện không phải chỉ tăng 7,5% mà tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3. Đây chính là lý do giá điện tăng phi mã. Vì vậy, việc tính toán lại biểu giá điện bậc thang, rút ngắn số bậc là cần thiết đối với cho người tiêu dùng.
Các chuyên gia kinh tế còn cho rằng, cách tính giá điện theo quá nhiều bậc thang dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra. Cũng do nhiều nấc thang nên việc ghi chỉ số công tơ nếu không cẩn trọng dễ gây ra sai sót khi thanh toán tiền điện.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng nhận định biểu giá hiện có nhiều bậc thang khác nhau theo nguyên tắc càng dùng nhiều càng phải trả nhiều tiền là chưa thực sự thuyết phục người tiêu dùng. Do giá điện bán ra như hiện nay đã cao hơn giá điện sản xuất, tức là có lãi, nên triết lý càng dùng nhiều càng phải trả nhiều không còn phù hợp.
Hạn chế ảnh hưởng đến người thu nhập thấpTrả lời phỏng vấn báo chí ngày 18/9, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết: Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thiết kế giá bán cho từng đối tượng phụ thuộc vào ưu tiên theo từng thời kỳ. Chính sách hiện nay của chúng ta là ưu tiên cho những đối tượng có thu nhập thấp và dùng càng nhiều điện thì phải trả giá bán lẻ điện càng cao. Việc này để yêu cầu mọi người phải tiết kiệm điện, hạn chế sử dụng so với mức nền kinh tế có thể chịu được.
Với dự thảo biểu giá bán lẻ điện mới, người tiêu dùng ít có thể bị ảnh hưởng làm tăng chi phí tiền điện và người tiêu dùng nhiều có thể giảm được chi phí tiền điện. Từ thực tế này, ông Đinh Quang Tri cho biết: “Tiêu chí hướng tới của EVN là giá điện phải điều chỉnh từng bước để những người có thu nhập thấp và thu nhập trung bình không bị ảnh hưởng lớn. Hiện nay, quan trọng nhất là chúng ta phải ổn định về cách tính giá điện cho 80% dân số đang sử dụng điện dưới mức 200 kWh/tháng”.
Nhiều chuyên gia kinh tế đồng quan điểm cho rằng, thay đổi cách tính giá điện hợp lý hơn là điều cần thiết song điều cần làm hơn là ngành điện cần tính toán giá điện phù hợp trên cơ sở công khai, minh bạch các chi phí sản xuất kinh doanh điện, chừng nào ngành điện làm được điều này, người tiêu dùng mới hy vọng được hưởng lợi.