Theo đó, tiếp tục lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu kể từ ngày 1/1/2016 đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người lao động nghỉ hưu từ 1/1/2018 trở đi phải đạt đủ độ tuổi: 53 tuổi đối với nam, 48 tuổi đối với nữ (nghỉ trong năm 2018); 54 tuổi đối với nam, 49 tuổi đối với nữ (nghỉ trong năm 2019); 55 tuổi đối với nam, 50 tuổi đối với nữ (nghỉ từ năm 2020 trở đi); đa số lao động nữ bị giảm tỷ lệ lương hưu so với quy định hiện hành...
Tuy nhiên, việc điều chỉnh này chỉ tác động trực tiếp đến một số nhóm đối tượng, không phải tất cả các đối tượng hưởng lương hưu từ năm 2018 trở đi đều bị giảm lương hưu.
Thông tin về việc sử dụng biệt dược gốc theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Dược và Vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Nguyễn Thị Yến cho biết: Hiện tại có 698 thuốc biệt dược gốc, trong đó có 447 thuốc hết hạn bảo hộ độc quyền.
Do không có các thuốc cạnh tranh trong đấu thầu theo gói thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị, các thuốc biệt dược gốc hầu hết đều trúng thầu với giá cao khi lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho các tỉnh, thành phố; các bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Số liệu sử dụng thuốc năm 2016 cho thấy, tỷ lệ sử dụng biệt dược gốc trên cả nước ước tính chiếm khoảng 20-30% trên tổng chi phí thuốc. Tỷ lệ này tại một số bệnh viện tuyến Trung ương chiếm từ 45% (Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh) đến trên 50% ( Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội). Vì vậy, theo bà Yến, nếu có biện pháp quản lý chặt chẽ về giá thuốc đối với các thuốc biệt dược gốc có thể tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 3/2017, đã có 57 địa phương đạt vượt tiến độ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, 6 địa phương chưa đạt (dưới 20%) là: An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Khánh Hoà, Ninh Bình, Thái Bình.
Cụ thể, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hiện nay là 75,2 triệu người; đạt 94,5% kế hoạch năm 2017, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2016; tổng số thu trên 61 nghìn tỷ đồng; tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn nhiều khó khăn do các giải pháp mở rộng đối tượng này chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với số lao động ở khu vực nông thôn (chiếm 70% lực lượng lao động). Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế giữa các vùng, miền còn chênh lệch. Các tỉnh có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cao thường là do có sự hỗ trợ từ ngân sách.
Tại Hội nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thông tin về tình hình ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2017 và giải quyết một số vướng mắc trong công tác giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; việc đổi mới phương thức trong cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người lao động.
Đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã trả lời một số câu hỏi liên quan tới cơ cấu, chi phí đối với các thuốc biệt dược hết hạn bảo hộ độc quyền; tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội; công tác giám định y khoa đối với những người nghỉ hưu trước độ tuổi trong bối cảnh tinh giản biên chế; lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế…