Người lao động không muốn tăng tuổi hưu đối với nhiều loại công việc nặng nhọc. |
“Tăng tuổi hưu chỉ là một trong các giải pháp để giảm tình trạng mất cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH). Để xoá bỏ tình trạng mất cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội, sẽ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đưa ra trong Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm: Mở rộng đối tượng, hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện, giảm trợ cấp một lần, điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc đóng – hưởng, đóng trên tiền lương đầy đủ, đổi mới hoạt động của tổ chức bảo hiểm xã hội, quản lý quỹ an toàn, hiệu quả…”, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Đáng chú ý, lộ trình điều chỉnh mức lương hưu đối với khu vực công sẽ tính bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH từ 2025. “Tôi cũng đã nhiều lần đề xuất với BHXH Việt Nam là khi ứng dụng công nghệ thông tin thì bóc tách minh bạch khoản đóng BHXH của khu vực công, khu vực tư. Trong khu vực công thì phân định rõ khu vực hành chính, sự nghiệp và công an, bộ đội”, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.
Tính đến hết ngày 31/12/2016, kết dư quỹ BHXH khoảng 453.487 tỷ đồng. Chỉ riêng quỹ ốm đau thai sản là quỹ thành phần của quỹ BHXH có số chi vượt 0,03%/số thu (thu 20.002 tỷ đồng, chi 20.008 tỷ đồng). Còn lại các quỹ đều đảm bảo kết dư và cân đối (Quỹ bảo hiểm tai nạn - bệnh nghề nghiệp số chi chỉ chiếm khoảng 8,4% số thu; Quỹ hưu trí và tử tuất số chi trong năm chiếm khoảng 65,4% số thu.
Theo dự báo của Tổ chức lao động thế giới (ILO), với các chính sách BHXH như hiện hành, năm 2021, thu không đủ chi trong năm. Đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu, quỹ mất cân đối.
Tình trạng này một phần nguyên nhân do Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” với lực lượng lao động đã đạt tới 52,3 triệu người (bắt đầu từ năm 2008 và kéo dài trong khoảng 35 năm) nhưng đồng thời cũng đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh.
Nếu như các quốc gia đã phát triển mất hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển vào giai đoạn già hóa dân số (dân số 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số) sang giai đoạn dân số già (dân sô 65 tuổi trở lên chiếm 14% tổng dân số) như: Pháp: 115 năm, Thụy Điển: 85 năm, Australia: 73 năm, Hoa Kỳ: 70 năm, Canada: 65 năm, Nhật Bản: 26 năm.... Trong khi Việt Nam dự báo chỉ mất 16-18 năm. Năm 2012, tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi của Việt Nam là hơn 9 triệu người, chiếm hơn 10% dân số; tỷ lệ người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm 7,1% dân số.
Trong khi đó, tuổi nghỉ hưu Việt Nam còn thấp, bình quân 54,2 tuổi, cụ thể với nam là 55,6 tuổi và nữ là 52,6 tuổi. Điều này dẫn tới thời gian đóng BHXH của người lao động ngắn (nam: 28 năm, nữ: 23 năm), thời gian hưởng lương hưu dài (số năm trung bình còn sống của nam từ 60 là 18,1 năm; nữ từ 55 tuổi là 24,5 năm), trong khi lương hưu tích lũy chỉ đảm bảo trả 8-9 năm. Điều này dẫn đến nguy cơ mất cân bằng Quỹ BHXH.
“Đó là lý do trong đề xuất sửa đổi Luật Lao động, nhiều chuyên gia đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nữ lên 57 và nam lên 62. Tuy nhiên, thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu nên thực hiện từ năm 2021”, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.