Sau khi được giải cứu thành công, những phụ nữ và trẻ em gái – nạn nhân chủ yếu của nạn buôn bán người - thường rơi vào tình cảnh dở dang, với nhiều biểu hiện bất thường về tâm lý. Công tác điều trị tâm lý cho họ đã rất vất vả, lại còn gặp nhiều trở ngại.Trải qua biến cố lớn, các nạn nhân bị buôn bán trở về mang theo mình ít nhiều những tổn thương. Giúp họ hàn gắn những vết thương tâm hồn là nhiệm vụ khó khăn của các chuyên gia tâm lý, cán bộ công tác xã hội…
Trong bản đồ về tình trạng mua bán người trên thế giới, Việt Nam là một trong các nguồn cung, và điểm đến của các nạn nhân Việt Nam là Trung Quốc (65%), Campuchia (11%), Lào (6%), Thái Lan, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao... (18%). |
“Thứ năm ngày 15 tháng 5 năm 2014
Mẹ ơi con nhớ mẹ lắm mẹ dưng buần nhé con viết mẹ lo cho con mà mẹ ơi con iên lố mẹ vi con không lăm dừ thao như mẹ nhỉ mẹ dư có…”.
Mua Thị S. có một quyển vở ô li mỏng, quăn mép. Trong ấy, bằng những dòng mực tím, em chật vật chép những bài học mà các nhân viên công tác xã hội của Ngôi nhà bình yên (Hà Nội) muốn em tập viết để không quên mặt chữ. Xen lẫn các bài học, có đoạn S. viết, như thư, như nhật ký, cho người mẹ của mình.
Một thế giới “đóng kín”
14 tuổi, Mua Thị S. (dân tộc HMông) đã có 2 năm phải sống nơi xứ người, bị ép làm vợ một người đàn ông xa lạ. Hai năm không biết nói chuyện với ai, không hiểu người xung quanh nói gì, em như bị đi tù giữa núi rừng xa lạ. Em căm ghét người được gọi là “chồng”, đến nỗi khi đã được giải cứu về Hà Nội, mỗi khi nhìn thấy người có nét gì hao hao anh ta, chỉ muốn “chạy lại chửi cho một trận”.
Trước đó, bố mẹ hay đánh chửi nên bỏ nhau, S. theo mẹ từ Điện Biên về Hà Giang sống cùng mẹ và bố dượng. Mẹ em, không hiểu vì lý do gì, “nhờ” một người họ hàng của chồng mới đưa con sang Trung Quốc “làm vợ người ta”.S. mím môi lắc đầu khi được hỏi: xa nhà lâu rồi, có nhớ mẹ không, có muốn về lại Hà Giang không. Nhưng trong “nhật ký” của em, thi thoảng vẫn là những dòng day dứt về mẹ.
Trường hợp của S., như các chuyên gia tâm lý nhận xét, chỉ là sự mâu thuẫn trong cảm xúc, khiến em cố gắng phủ nhận nỗi đau của mình, “đóng cửa” với những quan tâm của người khác. Sự bất thường về tâm lý này rất nhẹ, so với những nạn nhân bị mua bán người khác cũng từng được điều trị, hỗ trợ.
Tại Ngôi nhà bình yên (Hà Nội), nơi tạm trú của những cô gái từng bị bán, bị lừa gạt sang xứ người, có người từng bị trao tay vào các động mại dâm, bị ép dùng thuốc kích thích, ma túy liều cao, tới nỗi không còn một nhận thức gì khi được giải cứu. Tháng 5/2014, tại cửa khẩu Móng Cái, xuất hiện một phụ nữ trẻ, vẻ ngoài thất thần, không nhớ nổi tên tuổi, quê quán của mình, luôn trong tình trạng hoảng loạn. Các cán bộ công tác xã hội cho biết, bằng cách nào đó, cô đã thoát khỏi một nhà chứa ở bên kia biên giới, nơi cô có thể bị ép sử dụng quá nhiều chất kích thích hoặc ma túy.
Còn tại Indonesia, nhà tâm lý học Riza Wahyuni, làm việc tại một trung tâm phục hồi chức năng ở Đông Java cho biết: một cô gái 20 tuổi từng bị bạn của cha hãm hiếp đến mang thai. Cô trốn đến Surabaya, được một người lái xích lô giúp đỡ nhưng rồi chính hắn lại bán cô cho nhà chứa. Cô trở nên hoang tưởng, không tin tưởng bất cứ ai quanh mình.