Đề án Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012 - 2020 đã được Chính phủ phê duyệt đang tạo cơ hội để “định vị” lại vai trò của xe buýt tại các đô thị. Loại hình vận tải này đang cần nhiều chính sách hỗ trợ, ưu tiên để phát triển...
Chưa được quan tâm tương xứng
Hiện nay, xe buýt hoạt động chủ yếu tại các đô thị, đáp ứng phần lớn nhu cầu đi lại của số đông học sinh, sinh viên, người lao động, đồng thời thực hiện chức năng kết nối với các loại hình vận tải hành khách khác và các nhà ga, bến xe. Tuy nhiên, loại hình vận tải này hiện nay vẫn chưa có được “chỗ đứng” xứng đáng.
Ngày càng nhiều người lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi lại. |
Theo Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT), cả nước hiện có 54/63 tỉnh, thành phố có xe buýt, với trên 600 tuyến xe buýt và hơn 8.000 đầu xe hoạt động. Bình quân mỗi năm, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt vận chuyển được hàng trăm triệu lượt khách. Những năm gần đây, tốc độ phát triển kinh tế xã hội của nước ta tăng nhanh, đi đôi với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa là sự gia tăng dân số và nhu cầu đi lại, đặc biệt là trên các tuyến đường đô thị, đường đi qua khu công nghiệp, khu du lịch... Để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, vấn đề tổ chức các tuyến xe buýt nội đô, nội tỉnh, kế cận để đưa vào hoạt động đang là yêu cầu khách quan, vì phạm vi hoạt động của xe buýt hiện nay không chỉ giới hạn trong phạm vi các đô thị, mà còn mở rộng đến các địa phương lân cận. Thực tế này khẳng định rõ vai trò của xe buýt trong việc giảm tải cho giao thông đô thị hiện nay.
Tuy nhiên, loại hình vận tải này đang thiếu sự quan tâm đầu tư hoặc định hướng phát triển chưa tương xứng của các cơ quan liên quan. Hiện tại chỉ có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và số ít địa phương khác có quy hoạch, định hướng, cơ chế đầu tư kết cấu hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách để phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, còn lại hầu hết các địa phương chưa chủ động xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển loại hình vận tải này. Trong khi đó, việc triển khai các văn bản pháp luật, cũng như các quy định liên quan đến vận tải hành khách công cộng của ngành GTVT còn chưa linh hoạt. Việc đầu tư xây dựng các điểm dừng đỗ, nhà chờ, ban hành chính sách trợ giá xe buýt cũng mới chỉ có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh triển khai…
Vẫn thiếu cơ chế
Thực tế ở nhiều địa phương, do các doanh nghiệp xe buýt phải tự hạch toán kinh doanh, nên việc đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ hiện nay gặp không ít khó khăn. Theo khảo sát của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, kể cả ở Hà Nội, mặc dù xe buýt nhận được nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển, song hiện vẫn thiếu các cơ chế hỗ trợ cho việc đầu tư mua sắm phương tiện tiên tiến, thân thiện môi trường; thiếu các chính sách tạo nguồn tài chính cho vận tải công cộng hoạt động ổn định, nhất là các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ quản lý, giám sát hoạt động xe buýt… nên dường như chất và lượng xe buýt đang bị bỏ ngỏ. Điều đáng lo ngại hiện nay là dù được xác định sẽ giữ vai trò chủ đạo trong vận tải hành khách công cộng, nhưng công suất khai thác của xe buýt hiện đã vượt ngưỡng. Thực tế này đang dẫn tới nhiều hệ lụy nếu không được cải thiện.
Theo khảo sát của Bộ Giao thông Vận tải, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hiện nay tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường xuyên quá tải vào giờ cao điểm, có lúc hệ số ghế sử dụng lên tới 200%. Bên cạnh đó, tình trạng phần lớn các xe buýt đang xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo điều kiện hoạt động, xả khói đen, gây ô nhiễm môi trường, bỏ điểm dừng, vượt ẩu, không đón trả khách… diễn ra phổ biến, gây bức xúc dư luận. Nghiêm trọng hơn, thời gian gần đây, tình trạng lái và phụ xe buýt bất nhã với hành khách, phóng nhanh, vượt ẩu, gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, nạn móc túi, trộm cắp hoành hành trên xe buýt… đang gióng hồi chuông báo động tới các cơ quan hữu quan. Thêm vào đó, hạ tầng dành cho xe buýt thiếu và yếu, nhiều nơi, người dân khó tiếp cận với xe buýt, có khu vực còn “trắng” về xe buýt. Không ít lái xe buýt thừa nhận: Mặc dù Nhà nước có trợ giá, nhưng doanh nghiệp xe buýt hiện chưa thể “tự sống”, vì lệ thuộc nhiều vào ngân sách.
Do đó, muốn tăng cường sử dụng xe buýt công cộng, phải đổi mới toàn diện và nâng cao chất lượng dịch vụ. Vì hiện nay, người dân đô thị không thiếu phương tiện đi lại, nếu không được cải thiện, rất khó thu hút người dân mặn mà.
Tăng cường vai trò chủ đạo của xe buýt Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Trọng Thông: Trong năm 2012, Transerco sẽ tập trung đầu tư thay thế khoảng 150 xe buýt cũ theo hướng tăng sức chứa, mở rộng cửa lên xuống, đầu tư xe buýt sàn thấp để hành khách dễ tiếp cận, trang bị động cơ đạt tiêu chuẩn môi trường... Triển khai đề án Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn 2012 – 2020, Transerco định hướng ba giai đoạn phát triển: Giai đoạn 1, phấn đấu không có quận, huyện của Hà Nội trắng về xe buýt; giai đoạn 2 phấn đấu không có trung tâm thị trấn, khu đô thị, khu công nghiệp và trung tâm liên xã trắng về xe buýt; giai đoạn 3 sẽ đưa xe buýt về tận trung tâm các xã, các điểm thu hút hành khách lớn. Về lâu dài, Transerco xác định phát triển giao thông công cộng hướng đến mục tiêu giải quyết tận gốc bài toán về giao thông đô thị của thành phố. Do đó sẽ tập trung tham mưu cho các cơ quan chức năng các tiêu chuẩn, quy định về phát triển hạ tầng cho vận tải hành khách công cộng trong các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng các khu đô thị mới.
Đáp ứng 20% nhu cầu đi lại của người dân Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải: Để vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt phát triển bền vững, mục tiêu phát triển vận tải hành khách công cộng của Hà Nội đến 2015 là đẩy mạnh phát triển mạng lưới, trong đó sẽ tổ chức và điều chỉnh mạng lưới tuyến để tăng cường năng lực vận hành, đảm bảo cung ứng dịch vụ tốt hơn tại đô thị lõi và tới các trung tâm quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp. Đến năm 2020 tiếp tục điều chỉnh mạng lưới tuyến để tăng kết nối với các mô hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; đồng thời phát triển hạ tầng buýt để kiện toàn năng lực, cải thiện chất lượng dịch vụ… Hoàn thiện các chỉ tiêu này, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, nâng số lượng tuyến buýt hiện nay từ 84 lên 98 tuyến, nâng khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách từ 10% hiện nay lên 20%. |
Nguyễn Tiến