Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng nay 29/3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I ước đạt 921,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu loại trừ yếu tố giá thì con số này tăng 6,2%, thấp hơn mức tăng 7,5% của quý I năm trước.
Lực lượng chức năng Quận Đống Đa phá dỡ phần vi phạm lấn chiếm vỉa hè của hộ kinh doanh trên phố Nguyễn Lương Bằng. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Theo bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), hiện số cơ sở kinh doanh cá thể vào khoảng 4,6-4,8 triệu hộ, bao gồm cả những hộ sản xuất công nghiệp, kinh doanh vận tải, các hộ kinh doanh thương mại và buôn bán lẻ và các loại dịch vụ khác.
“Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I thấp hơn cùng kỳ năm trước là do ảnh hưởng của nhiều yếu tố chứ không phải chỉ do việc đang thực hiện dọn dẹp vỉa hè hiện nay”, bà Lê Thị Minh Thủy cho biết.
Theo bà Thủy, với quy mô của tiêu dùng đang dần dần nâng lên, thì theo lẽ tự nhiên mức tăng trưởng sẽ dần chậm lại chứ không tăng cao mãi được.
Nhiều người dân lâu nay có thói quen mua sắm hàng hóa và ăn uống tại các hàng quán bày bán trên vỉa hè. Việc sử dụng vỉa hè để buôn bán cũng tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người lao động. Nhưng những cơ sở, hộ kinh doanh cá thể lâu nay đóng góp vào GDP chỉ khoảng từ 11-13%.
Cũng theo bà Thủy, trong thời gian dài trước đây, vỉa hè là nơi kinh doanh buôn bán của nhiều hộ kinh doanh cá thể. Vì vậy, khi thực hiện “dọn dẹp” vỉa hè trong giai đoạn đầu sẽ ảnh hưởng đến việc buôn bán, cũng như công ăn việc làm của các hộ có sử dụng vỉa hè đề kinh doanh. Trong đó, các hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực ăn uống và bán hàng hóa ảnh hưởng nhiều nhất.
Nhưng về lâu dài, mọi người dân phải thực hiện quy định, chủ trương này. Điều này cũng sẽ tạo ra văn minh thương mại đô thị. Thực tế, trong thời gian hơn một tháng qua, việc thực hiện “dọn dẹp” vỉa hè tại các địa phương, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... đang được nhiều người dân ủng hộ.