Sau cuộc họp khẩn lúc 22 giờ ngày 6/3, Hà Nội đã công bố ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên trên địa bàn thành phố. Ngay lập tức trên các trang mạng xã hội (MXH) liên tục xuất hiện nhiều tin đồn phỏng đoán, ảnh ghép, ảnh chế, clip… về trường hợp bệnh nhân N.H.N(nữ, 26 tuổi), tr ú tại phố Trúc Bạch (phường Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội).
Đáng chú ý là ngoài việc đăng tải thông tin không đúng sự thật, các đối tượng đưa tin còn bịa đặt, xuyên tạc thông tin diễn biến về tình hình dịch bệnh COVID-19 về người thân, gia đình của bệnh nhân; đưa những thông tin chưa được kiểm chứng kèm theo những nhận định mang tính cá nhân. Không khó để liệt kê những từ, cụm từ như: “vỡ trận”, “hoang mang cực độ”, “di tản trong đêm”, “hàng loại những người liên quan đã dương tính”…
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS. TS Vũ Thị Phương Hậu, Viện trưởng Viện Văn hóa (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, trong dòng chảy thông tin (từ cơ quan báo chí đến MXH), rất nhiều người muốn được tham gia, thể hiện mình là người nắm bắt được thông tin sớm nhất, nhạy cảm với thời cuộc, mong muốn thu hút được sự quan tâm nhiều nhất của xã hội. Từ đó họ chọn cách tung ra những thông tin chưa được kiểm chứng; thậm chí cố dùng những từ ngữ “hot” để gây chú ý.
“Một số người kinh doanh, bán hàng trên MXH thường tranh thủ sự nhiễu loạn thông tin giữa dịch bệnh COVID-19 để phao tin nhảm, nhằm câu like, view, tăng tương tác với tài khoản MXH của chính mình. Mục đích của việc này là thu hút thêm khách hàng vào trang cá nhân, mưu lợi bất chính. Điều đáng lo là những tin tức giả mạo này lại càng được lan truyền, chia sẻ nhanh. Chính vì thế, các đối tượng này rất thích phao tin dự báo thay cho cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc có người chết, hay dương tính với virus”, PGS. TS Vũ Thị Phương Hậu cho hay.
Các MXH cho chúng ta đặc quyền dùng miễn phí với thông điệp tôn trọng các quyền riêng tư. Nhưng những người sử dụng MXH lại ảo tưởng cho mình cái quyền được đi xâm hại sự riêng tư của người khác. Các chuyên gia lo ngại tình trạng này vừa tác động xấu đến việc tiếp nhận thông tin của người dân, vừa làm khó cho cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch.
Nguy hại hơn, khi cả một cộng đồng sống trong nỗi sợ thái quá thì niềm tin bị đánh mất. Để rồi khi những thông tin chính thức, đúng đắn không còn giá trị vì mọi người đã tiếp nhận những tin đồn phù hợp với nỗi sợ của họ.
Tính đến 9 giờ sáng ngày 7/3, thông tin chính thức từ Bộ Y tế, khẳng định, đã có 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân N.H.N là: Bố, bác bệnh nhân, 5 người tạp vụ và 1 lái xe riêng. Hiện tại sức khỏe của những người này đều bình thường, không ai có biểu hiện sốt, ho.
Tại Bệnh viện Hồng Ngọc, có 17 người tiếp xúc với bệnh nhân. Hiện tại sức khỏe của những người này đều bình thường, không ai có biểu hiện sốt, ho. Tất cả đã được cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Để chủ động trong cuộc đấu tranh chống lại thông tin giả, điều quan trọng nhất là người dân phải có niềm tin. Với các cơ quan chính quyền, thông tin về dịch bệnh cần nhanh chóng, minh bạch, rõ ràng. Bên cạnh đó cũng cần đưa ra những dự báo chính xác. Mặt khác, cũng cần có những biện pháp định hướng, khích lệ (ví dụ các bài viết của chuyên gia phân tích về tâm lý thời dịch bệnh, vì sao lại sợ, cách để sống khoẻ trong thời dịch COVID-19 thì như thế nào?...).
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ký ban hành Nghị định 15 - cụ thể, Điều 101 Nghị định 15 quy định phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.