Suốt nhiều ngày, ao nuôi ếch rộng 1.000m2 của gia đình anh Nguyễn Văn Phong (xã Mỹ Thọ) đã không được thay nước mới vì nguồn nước dưới rạch Ông Ấu ô nhiễm. Anh Phong xót xa nhìn những con ếch chết dần và mỗi ngày 2 lần, anh phải vớt xác ếch mang đi xử lý. Nhận thấy không thể cầm cự trước tình hình này nên anh xuất bán ếch “non”, sớm hơn kế hoạch gần 20 ngày.
Anh Phong chia sẻ, nước rạch Ông Ấu ô nhiễm nên ảnh hưởng nhiều rất việc nuôi ếch. Đợt này, ếch bị chết nhiều, anh phải bán sớm nên thiệt hại về sản lượng hơn 50% (giảm khoảng 1 tấn) so với bình thường. Anh đang “treo” ao, chưa dám thả nuôi lứa ếch giống mới.
Anh Huỳnh Ngọc Nhuận (người dân xã Mỹ Thọ) bức xúc, màu nước dưới rạch Ông Ấu đen kịt, trên mặt nước nổi váng, hôi thối. Những lúc nước cạn, quá ô nhiễm, anh không dám tưới rau bằng nước ở rạch. Trước đây, người dân trong xã sử dụng nước dưới rạch phục vụ sinh hoạt nên đỡ một phần chi phí tiền nước hằng tháng, còn bây giờ chỉ sử dụng toàn nước máy. Anh rất mong chính quyền địa phương và ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc, giải quyết trình trạng ô nhiễm nguồn nước ở rạch Ông Ấu.
Rạch Ông Ấu phục vụ nước tưới tiêu cho gần 100 ha đất ruộng, vườn cây ăn quả và ao nuôi cá, ếch… Theo người dân địa phương, nước dưới rạch bị ô nhiễm hơn 2 tuần qua, cứ vài tháng, tình trạng này lại tái diễn. Nếu mưa càng nhiều, nguồn nước lại càng ô nhiễm. Rạch Ông Ấu nằm gần sát bãi rác Đập Đá (xã Mỹ Thọ) và nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên sản xuất thương mại dịch vụ môi trường Tiến Phát (Công ty Tiến Phát) - chuyên xử lý chất thải công nghiệp, chất thải y tế và nguy hại. Người dân địa phương cho rằng, việc ô nhiễm rạch có thể do nước rò rỉ từ nhà máy của Công ty.
Bà Võ Thị Dung (ngụ xã Mỹ Thọ) đang canh tác 6.000m2 ruộng cạnh nhà máy của Công ty Tiến Phát cho hay, 3 vụ lúa gần đây, vì nguồn nước bị ô nhiễm nên sau khi gieo sạ, lúa bị chết nhiều, bà phải tốn chi phí thuê người dặm mạ. Khi lúa trổ, bị lép hạt và giảm năng suất.
Gần đây, UBND huyện Cao Lãnh đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, các đơn vị liên quan thành lập Đoàn kiểm tra về môi trường đến kiểm tra, nắm tình hình ô nhiễm rạch. Qua khảo sát thực tế, rạch Ông Ấu, đoạn từ trạm bơm nước đến vị trí tiếp giáp với nhà máy của Công ty Tiến Phát (dài khoảng 700m), nước có dấu hiệu ô nhiễm, có màu đen và bốc mùi hôi khó chịu. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng chưa phát hiện nguồn xả thải ra rạch Ông Ấu.
Đoàn kiểm tra cũng phát hiện tại ruộng lúa của hộ bà Võ Thị Dung, nơi tiếp giáp với ô lưu chứa vỏ hạt xoài (cạnh kho N5) của Công ty Tiến Phát có hiện tượng rò rỉ nước thải từ hầm chứa ra ruộng lúa. Nước màu đen và bốc mùi hôi nhưng chưa xác định được lưu lượng nước thải. Đối với nước thải rò rỉ ra ruộng lúa, Công ty tiến hành bơm trở lại ô lưu chứa và sau đó bơm về hệ thống xử lý nước thải của Công ty để xử lý.
Đoàn Kiểm tra về môi trường của huyện Cao Lãnh đã yêu cầu Công ty Tiến Phát khẩn trương có biện pháp che chắn, gia cố bờ bao đối với hầm chứa vỏ hạt xoài, không để nước thải, mùi hôi phát tán ra môi trường xung quanh, khẩn trương xử lý chất thải còn tồn lưu trong hầm chứa. Cùng với đó, Công ty rà soát, khắc phục các điểm có khả năng phát sinh rò rỉ nước thải ra môi trường; phải thu gom, xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường theo quy định, tuyệt đối không được xả nước thải trực tiếp ra môi trường, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh Huỳnh Thanh Sơn cho biết, qua tiếp nhận phản ánh người dân về tình trạng ô nhiễm rạch Ông Ấu, UBND huyện đã chỉ đạo Đoàn Kiểm tra về môi trường nhiều lần tiến hành xác minh, kiểm tra thực tế. Tuy nhiên, ngoài việc phát hiện rò rỉ nước thải ra ruộng lúa người dân, nguyên nhân khác dẫn đến ô nhiễm rạch chưa được xác định. Do đó, UBND huyện có văn bản kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh hỗ trợ huyện để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường nói trên.