Tại buổi đối thoại, người dân đã có nhiều câu hỏi liên quan đến đời sống, sinh kế khi triển khai dự án này.
Ông Nguyễn Tâm, thôn Mỹ Phú Bắc cho rằng: Khi triển khai dự án, việc đi lại của người dân và cả khu vực chăn thả trâu bò sẽ bị ảnh hưởng, làm giảm khả năng đảm bảo đời sống của người dân.
Ông Đỗ Văn Kiện, thôn Mỹ Phú Bắc nêu: Với diện tích hơn 1.200ha, dự án điện mặt trời sẽ triển khai trên diện tích 60ha mặt nước và một phần mặt đất, người dân Mỹ Phú sẽ giảm diện tích đánh bắt. Nếu đánh bắt lấn sang khu vực các bờ phía địa phương khác thì có ảnh hưởng gì hay không? Đề nghị phải có giải pháp đền bù, đảm bảo đời sống cho người dân, đặc biệt là 35 hộ dân có ghe, xuồng hành nghề trên đầm...
Bà Hồ Thị Hảo, thôn Mỹ Phú Bắc cho rằng: Các dự án triển khai để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương là tốt, nhưng vấn đề có gây ô nhiễm môi trường hay không? Giải pháp hỗ trợ, đền bù cho người dân trong vùng như thế nào?
Bà Lữ Thị Phụng, thôn Mỹ Phú Bắc, kiến nghị: Nhà đầu tư phải nghiên cứu kỹ địa hình và các vấn đề của địa phương để triển khai cho phù hợp.
Tại buổi đối thoại, đại diện nhà đầu tư, Giám đốc Công ty Năng lượng tái tạo Việt Nam Lê Đức Thoa chia sẻ: Dự án chỉ sử dụng một diện tích rất nhỏ trên đầm Trà Ổ, không ảnh hưởng nhiều đến đời sống và sinh kế của người dân. Riêng khu vực trên đất liền vẫn đảm bảo khu vực chăn thả trâu bò. Nhà đầu tư sẽ luôn đồng hành và chia sẻ với người dân vùng dự án về việc làm đường, cấp điện chiếu sáng, xây dựng nhà văn hóa thôn, trường học, hỗ trợ sinh kế…
Ông Thoa cũng khẳng định, dự án điện mặt trời là dự án sử dụng năng lượng sạch, hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến môi trường. Nhà đầu tư sẽ ưu tiên sử dụng 80 lao động địa phương.
Về vấn đề triển khai dự án có đúng với quy hoạch, thiết kế và điều kiện tự nhiên tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng nói, người dân trong vùng có thể cử 3-5 người uy tín tham gia giám sát hoạt động triển khai dự án và thời gian hoạt động nhà máy điện mặt trời.
Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho rằng: Với những hạng mục dự án sẽ triển khai, công tác thoát lũ tại địa phương sẽ tốt hơn trước đây. Bên cạnh đó, với 33ha mặt nước được dựng các tấm pin mặt trời, môi trường sinh thái tại đầm Trà Ổ sẽ không những không xấu đi mà còn tốt hơn, có thêm điều kiện cho các loại thủy sinh phát triển.
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định sẽ thực hiện đúng với những gì đã cam kết với người dân, bồi thường thỏa đáng, ưu tiên sử dụng lao động địa phương, đặc biệt với 35 hộ dân có ghe, xuồng hành nghề trên đầm Trà Ổ. Ông Dũng cho biết: Đầm Trà Ổ là tài nguyên chung của huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, chính quyền sẽ không để xảy ra chuyện ảnh hưởng tới việc hành nghề của người dân quanh đầm.
Về những băn khăn của người dân khi thực hiện dự án sẽ ảnh hưởng đến việc cung cấp nước sinh hoạt, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định: Bình Định vẫn là tỉnh nghèo, huyện Phù Mỹ là huyện nghèo, còn nhận ngân sách hỗ trợ từ cấp trên. Chính các dự án kinh tế sẽ thúc đẩy địa phương phát triển. Khó khăn lớn nhất hiện nay là việc thiếu nước sinh hoạt khu vực Bắc Phù Mỹ. Vấn đề này đang được giải quyết bằng dự án hồ Đồng Mít.
Nhìn chung, các ý kiến, thắc mắc của người dân thôn Mỹ Phú Bắc đều đã được lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, huyện Phù Mỹ và nhà đầu tư giải đáp đầy đủ. Sau khi được giải đáp thắc mắc, người dân địa phương rất đồng tình để triển khai dự án điện mặt trời trên đầm Trà Ổ.
Như tin TTXVN đã đưa, vào tháng 6/2018, khi nhà đầu tư triển khai khảo sát để tiến tới xây dựng dự án điện mặt trời trên đầm Trà Ổ, người dân các địa phương trong vùng sợ ảnh hưởng đến sinh kế đã cản trở, không cho khảo sát.