Theo ông Thèn Ngọc Minh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang: Dông lốc kèm theo mưa đá đã khiến hàng chục gia đình đồng bào dân tộc thiểu số bị tốc, sập mái nhà. Nhiều công trình phúc lợi như điểm trường ở các xã Nam Sơn, Túng Sán, Ngàm Đăng Vài, Thông Nguyên bị ảnh hưởng nặng nề; hàng chục ha ngô, đậu tương bị thiệt hại hoàn toàn; nhiều tuyến đường giao thông từ huyện Hoàng Su Phì đi các xã bị chia cắt do cây đổ. Dông lốc làm đổ cây, gây cản trở giao thông từ thị trấn Vinh Quang đi xã Tụ Nhân và Chiến Phố, hiện ô tô vẫn chưa lưu thông được.
Tại huyện Vị Xuyên, theo thống kê sơ bộ, dông lốc kèm theo mưa đá cũng khiến hàng chục héc-ta ngô trên địa bàn bị thiệt hại nặng. Nhiều nhà của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thượng Sơn và Khu Công nghiệp Bình Vàng bị tốc mái, hư hỏng nặng; hàng chục héc-ta hoa màu, thảo quả bị thiệt hại.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Bắc Quang, dông lốc kèm theo mưa đá khiến hàng chục ngôi nhà của người dân ở các Kim Ngọc, Đồng Tâm, Thượng Bình bị đổ sập hoàn toàn. Gần 200 ngôi nhà bị tốc mái, tốc nóc, hư hỏng nặng. Đặc biệt, dông lốc kèm theo mưa đá cũng khiến gần 100 héc-ta ngô bị thiệt hại nặng nề; gần 100 héc-ta cam sành tại xã Tân Quang bị rụng khoảng 50 tấn quả. Dông lốc kèm theo mưa đá cũng khiến nhiều diện tích mía, keo trên địa bàn bị đổ gẫy…
Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các huyện xuống nắm tình hình, hỗ trợ khắc phục thiệt hại theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó hỗ trợ người bị thương đến cơ sở y tế chữa trị vết thương; huy động nhân dân, lực lượng dân quân tại chỗ xuống các thôn bản, tổ dân phố tu sửa, dọn dẹp nhà cửa, giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đồng thời, khẩn trương thống kê và đề xuất các giải pháp khắc phục đối với diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp bị thiệt hại nặng.