Hiện UBND tỉnh đã cấp 800 tỷ đồng cho các huyện, thành phố nhằm hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, hầu hết các huyện, thành phố tại Đồng Nai vẫn chưa hoàn thành hỗ trợ cho người dân, nguyên nhân là do khâu lập hồ sơ mất nhiều thời gian.
Theo UBND huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, đến nay, tỉnh Đồng Nai đã chuyển cho huyện 15 tỷ đồng để hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, nhưng huyện mới chi được 5 tỷ đồng. Hơn 70% số hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy vì dịch trên địa bàn huyện vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ. Nguyên nhân là do công tác lập hồ sơ chậm, bị sai, phải sửa chữa nhiều lần.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, hiện huyện Xuân Lộc có hơn 12.000 con lợn bị tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi, dự kiến tiền hỗ trợ khoảng 19 tỷ đồng. Huyện không thiếu nguồn kinh phí, nhưng gặp khó khăn trong khâu lập hồ sơ. Có những ngày, các xã chuyển về huyện hàng chục bộ hồ sơ của người dân, nhưng huyện chỉ lọc được vài ba bộ làm đúng trình tự, thủ tục, còn lại sai sót, phải chuyển trả về địa phương làm lại.
Theo ông Linh, với người chăn nuôi nhỏ lẻ, khi có lợn phải tiêu hủy đồng nghĩa với việc mất đi nguồn nuôi sống gia đình, cần sớm nhận hỗ trợ để có vốn chuyển đổi nghề nghiệp. Tuy nhiên, ở Xuân Lộc có hàng trăm hộ chăn nuôi bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi với số lượng ít, kiểm đếm mất nhiều thời gian. Tới đây, chính quyền Xuân Lộc sẽ cử cán bộ nông nghiệp về tận các xã phối hợp với cấp cơ sở hướng dẫn người dân làm hồ sơ đúng quy định. Chỉ đạo địa phương tập trung lực lượng rà soát, hỗ trợ làm hồ sơ cho người dân, phấn đấu đầu tháng 11 này cơ bản hoàn tất chi tiền hỗ trợ cho các hộ.
Theo bà Lương Thị Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, Trảng Bom là địa phương đầu tiên tại Đồng Nai xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (tháng 4/2019). Ban đầu, huyện gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ hỗ trợ cho người dân, song đến nay, công tác này đã được đẩy nhanh. Đến nay, toàn huyện Trảng Bom có 64.000 con lợn bị tiêu hủy (số tiền hỗ trợ dự kiến là 84 tỷ đồng), huyện đã chi 72 tỷ đồng cho người chăn nuôi.
Bà Lan nhấn mạnh, vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã cấp cho huyện Trảng Bom 150 tỷ để hỗ trợ người dân có lợn bị tiêu hủy vì dịch. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho người dân là không thiếu, chính quyền Trảng Bom đang vào cuộc quyết liệt nhằm sớm chi tiền cho tất cả người chăn nuôi bị thiệt hại vì dịch.
Mới đây, ngành chức năng huyện đã khảo sát đời sống của người dân có lợn bị nhiễm dịch, kết quả cho thấy, sau khi nhận tiền hỗ trợ, nhiều hộ đã chuyển qua nuôi lươn, vịt, chim cút. Đây là tín hiệu tốt, chứng tỏ chính sách hỗ trợ đã phát huy hiệu quả, góp phần đảm bảo sinh kế cho người dân”.
Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, vừa qua, một số địa phương trong cả nước xuất hiện tình trạng trục lợi từ chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh. Để ngăn chặn tình trạng này, Đồng Nai chỉ đạo các địa phương thực hiện chặt chẽ việc kiểm đếm, thống kê số lượng lợn mắc bệnh, niêm yết công khai danh sách hộ chăn nuôi có lợn nhiễm bệnh tại các địa phương. Do hồ sơ được làm chặt chẽ nên mất nhiều thời gian, tiền hỗ trợ đến người dân chậm hơn so với yêu cầu.
Theo ông Huỳnh Thành Vinh, từ đầu tháng 10 đến nay, Đồng Nai đã có bản khống chế được dịch tả lợn châu Phi, số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy giảm mạnh so với trước. Chính quyền Đồng Nai luôn chuẩn bị đầy đủ kinh phí để hỗ trợ người dân có lợn nhiễm dịch, hộ chăn nuôi khi có lợn mắc bệnh cần báo cho cơ quan chức năng, tuyệt đối không bán tháo lợn ra thị trường. Điều này góp phần ngăn chặn mầm bệnh phát tán, tiến tới khống chế hoàn toàn dịch tả lợn châu Phi.