Với quyết tâm chấn chỉnh và ngăn chặn vấn đề này để không còn là nỗi bức xúc cho người dân, cũng như bảo vệ tài nguyên đất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong 4 tháng đầu năm 2017, các sở, ban, ngành huyện Thanh Bình đã xử lý hàng loạt vụ khai thác đất mặt ruộng.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Thanh Bình thừa nhận, trong những năm qua, Thanh Bình là một trong những địa phương "nóng" về việc khai thác đất mặt ruộng. Người dân tự ý bán đất mặt ruộng diễn ra rầm rộ nhất vào cuối năm 2015, cho đến nay , tập trung tại các xã Tân Phú, An Phong, Tân Thạnh, Phú Lợi, Tân Mỹ,...
Một thửa ruộng (bên phải) tại ấp 1, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp bị khai thác đất mặt, có độ trũng thấp hơn 0,5m so với các mặt ruộng xung quanh. |
Ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết thêm , tất cả các phần đất khai thác chủ yếu được cung cấp làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất gạch nung, trong đó chủ yếu là các cơ sở ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Theo thống kê của phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, chỉ tính riêng trong năm 2016, toàn huyện có hơn 20 ha đất canh tác nông nghiệp bị người dân khai thác đất mặt không theo quy định.
Ông Dương Văn Đành, ngụ xã Phú Lợi , huyện Thanh Bình, vừa bán xong lớp đất mặt hơn 4.500 m 2 , độ sâu 0,3 m, với giá 20 triệu đồng/1.000 m 2 cho một cơ sở sản xuất gạch tại xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình cho biết, do đất gia đình gò cao, quanh năm sản xuất không có hiệu quả, bán đất có thêm phần thu nhập nhưng diện tích đất vẫn còn, chỉ cần bón thêm phân vô cơ với lượng cao đất sẽ sớm hồi phục.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất khó thể phục hồi trong thời gian ngắn. Tầng đất mặt là lớp đất có độ phì nhiêu cao, thêm vào đó, trong những năm gần đây, người nông dân bỏ cày thay bằng việc xới, nên tầng đất dưới trở nên chai cứng.
Nếu người dân bán đi tầng đất mặt là tự làm khó mình, khiến chi phí sản xuất gia tăng, cây lúa sinh trưởng kém, dễ đ ổ ngã khi thời tiết bất lợi, nhất là vào giai đoạn làm đòng, trổ chín. Đồng thời, việc khai thác đất mặt ruộng còn phá vỡ nền sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến các hộ sản xuất liền kề, do bề mặt các ruộng thay đổi.
Là một trong số ít người người dân không bán đất mặt ruộng, ông Trương Việt Toàn, người canh tác hơn 7.000 m 2 đất lúa, cạnh phần đất ông Đành , cho biết trước đây, diện tích trồng lúa của ông là phần đất trũng, nhưng khi các hộ xung quanh bán đất mặt, thửa ruộng ông trở thành vùng đất gò cao.
Theo quan sát của phóng viên, ruộng ông Toàn cách các bề mặt ruộng xung quanh từ 0,3 đến 0,5 m, có chỗ cách đến 0,7 m. Ông Toàn nói, do lượng nước thoát xuống các ruộng thấp hơn nên gieo sạ lúa vụ Hè Thu được hơn 15 ngày, nhưng ngày nào cũng phải bơm nước, chưa kể việc tiêu hao phân bón.