Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đã chấp thuận các phương án giảm giá cho các phương tiện của chủ sở hữu là cá nhân có hộ khẩu thường trú và các tổ chức doanh nghiệp có trụ sở chính đóng tại khu vực các xã lân cận trong phạm vi bán kính 5km so với trạm thu phí Sông Phan. Mức giá giảm đối với xe không kinh doanh là 50%, còn đối với xe khác là 40%.
Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đồng ý về việc giảm giá qua trạm thu phí Sông Phan. Ảnh: baobinhthuan.com.vn |
Văn bản của Bộ Giao thông vận tải cũng nêu rõ: Việc điều chỉnh giảm giá vé chung cho các phương tiện như kiến nghị của UBND tỉnh có ảnh hưởng nhiều đến phương án tài chính và tính khả thi của dự án nên chưa áp dụng, đặc biệt trong điều kiện dự án đang triển khai đầu tư bổ sung hạng mục mở rộng nền, mặt đường, lắp đặt giải phân cách.
Trong chiều ngày 10/1, UBND tỉnh có công văn hỏa tốc giao Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Hàm Thuận Nam phối hợp với Chi nhánh BOT 319 Sông Phan (Nhà đầu tư dự án BOT) và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức triển khai việc giảm giá dịch vụ tại Trạm thu giá Sông Phan, Quốc lộ 1, tỉnh Bình Thuận theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
Tỉnh Bình Thuận cũng giao Sở Giao thông vận tải kiểm tra, có ý kiến bằng văn bản đối với các phương tiện đăng ký kinh doanh vận tải công cộng (xe buýt), các phương tiện đăng ký kinh doanh vận tải và các phương tiện không đăng ký kinh doanh vận tải để báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, gửi Nhà đầu tư dự án BOT xác nhận danh sách phương tiện thuộc đối tượng được giảm giá dịch vụ.
Định kỳ 1 quý/lần (trước ngày 25 của tháng cuối quý), giao UBND huyện Hàm Thuận Nam phối hợp với Sở Giao thông vận tải cập nhật tình hình biến động về các loại phương tiện thuộc đối tượng giảm giá nêu trên để báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, gửi Nhà đầu tư dự án BOT cập nhật, thực hiện.