Lễ phát động thực hiện Chương trình “Doraemon với an toàn giao thông tại Việt Nam” năm 2016 đã được Cục cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp với Tập đoàn báo Mainichi Nhật Bản tổ chức sáng 20/4, tại Hà Nội.
Các đại biểu tại lễ phát động. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Lễ phát động có sự hiện diện của đại diện các Bộ: Công an, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội, đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tập đoàn báo Mainichi cùng một số doanh nghiệp Nhật Bản đồng hành với Chương trình.
Hình ảnh chú mèo máy Doraemon là biểu tượng về an toàn giao thông được yêu thích của trẻ em Nhật Bản trong 50 năm qua. Đây là hình ảnh gần gũi, dễ thương, ưa thích đối với trẻ em Châu Á nói chung, trong đó có trẻ em Việt Nam.
Việc Tập đoàn báo Mainichi Nhật Bản, Ủy ban tổ chức Chương trình gồm các doanh nghiệp Nhật Bản phối hợp với Cục cảnh sát giao thông tổ chức Chương trình “Doraemon với an toàn giao thông tại Việt Nam” nhằm thể hiện tinh thần hợp tác và giúp đỡ Việt Nam trong công tác xã hội, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả và thành công của Nhật Bản trong công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, qua đó góp phần kiềm chế và đẩy lùi tai nạn giao thông tại Việt Nam.
Điểm nhấn của Chương trình trong năm 2016, đó là cuộc thi sáng tác khẩu hiệu “Doreamon với an toàn giao thông” và triển khai lớp học về an toàn giao thông tại các trường tiểu học và phát động cuộc vận động về an toàn giao thông. Theo Trung tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông (Cục cảnh sát giao thông), cuộc thi sáng tác khẩu hiệu “Doreamon với an toàn giao thông” dành cho hai nhóm đối tượng là từ 6-15 tuổi và từ 16 tuổi trở lên.
Với nhóm từ 6-15 tuổi chủ đề sáng tác là “Hãy cẩn thận trên đường tới trường” và nhóm 16 tuổi trở lên là “Vì sự an toàn cho trẻ em”.
Thời gian nhận khẩu hiệu sáng tác từ 6/5 đến 15/6. Tác phẩm tham dự có thể gửi qua website
http://www.antoangiaothong.com.vn hoặc http://www.csgt.vn; hoặc có thể gửi trực tiếp qua bưu điện tới Văn phòng liên lạc Cuộc thi (số 2 Ngô Quyền, Hà Nội) hay Cục cảnh sát giao thông (112 Lê Duẩn). Mỗi khẩu hiệu không quá 20 từ, khẩu hiệu xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn làm khẩu hiệu an toàn giao thông của năm và được sử dụng để làm poster tuyên truyền dán tại tất cả các trường tiểu học trên toàn quốc.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Quang Nhật, lớp học về an toàn giao thông sẽ được triển khai tại 3 trường của Hà Nội và 2 trường của Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 9/2016. Cán bộ của Cục cảnh sát giao thông và Phòng cảnh sát giao thông Công an các địa phương sẽ đến các trường tiểu học để hướng dẫn về an toàn giao thông, luật giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn… cùng với biểu tượng là chú mèo máy Doraemon.
Tài liệu sử dụng là “Sổ tay tuyên truyền về an toàn giao thông” sẽ được phát cho toàn bộ học sinh của trường và mỗi học sinh được tặng một huy hiệu có in khẩu hiệu được lựa chọn cùng hình ảnh Doraemon. Bên cạnh đó, Cục cảnh sát giao thông sẽ phát sổ tay và huy hiệu này tại 10 trường tiểu học của Hà Nội và 10 trường tiểu học của Thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên các trường sẽ sử dụng sổ tay này để triển khai các lớp học về an toàn giao thông.
Chia sẻ về việc thực hiện Chương trình đầy ý nghĩa nhân văn này, Giám đốc điều hành báo Mainichi, ông Tsuneda Teruo cho biết ở Nhật Bản những năm 80 của thế kỷ trước, số người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm bình quân là 15.000 người. Bình quân một ngày có hơn 40 người tử vong vì tai nạn giao thông, số người tử vong nhiều không khác gì chiến tranh nên người Nhật gọi là chiến tranh giao thông.
Để hạn chế tình trạng này, 30 năm trước, Nhật Bản đã khởi động Chương trình Doreamon với an toàn giao thông. Đến nay, Nhật Bản được mệnh danh là quốc gia có hệ thống giao thông an toàn nhất thế giới và người dân có ý thức rất cao khi tham gia giao thông. Con số người tử vong do tai nạn giao thông tại đây đã giảm xuống còn hơn 4.000 người/năm. Tình hình hiện ở Việt Nam không khác Nhật Bản cách đây 30 năm.
Số người tử vong do tai nạn giao thông của Việt Nam hiện là hơn 9000 người, trung bình một ngày có 25 người tử vong vì tai nạn giao thông. Tính bình quân trên dân số của hai quốc gia cho thấy tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của Việt Nam gấp 3,2 lần của Nhật Bản. Điều thương tâm nhất là trong số người tử vong do tai nạn giao thông, có không ít trẻ em.
Để xảy ra tai nạn giao thông với trẻ em 100% là do trách nhiệm của người lớn. Giáo dục cho trẻ em cách thức để bảo vệ khỏi tai nạn giao thông là nghĩa vụ của người lớn. Hãy cùng ngăn chặn cuộc chiến tranh giao thông này, hãy cùng nhau bảo vệ cuộc sống của chính trẻ em chúng ta. Cùng hình ảnh chú mèo máy dễ thương bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn giao thông – ông Tsuneda Teruo kêu gọi.
Ông Tsuneda Teruo cũng cho biết tại Nhật Bản, Chương trình được tổ chức có sự tham gia của cha mẹ nhằm nâng cao ý thức của cha mẹ với an toàn giao thông. Ông hy vọng Chương trình được triển khai ở Việt Nam sẽ có sự tham gia của các bậc phụ huynh bởi trẻ em luôn bắt chước theo người lớn, bố mẹ không tuân thủ pháp luật giao thông thì trẻ em cũng vậy. Trong chừng mực tài trợ của các doanh nghiệp và khi chương trình còn được thực hiện tại Nhật Bản, báo Mainichi còn thực hiện chương trình lâu dài tại Việt Nam.
Trước mắt Chương trình triển khai tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó sẽ tổng kết và nhân rộng trên toàn quốc. Với sự tương đồng về văn hóa, phương tiện giao thông và hạ tầng giao thông ở Nhật Bản nhiều năm trước, việc đổi mới cách tuyên truyền truyền thống, tìm ra khẩu ngữ phù hợp với lứa tuổi các em, có tác động đến người lớn, sẽ mang lại về hiệu quả tốt, hình thành một xã hội giao thông an toàn tại VIệt Nam.
Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông cho biết: đây là Chương trình rất phù hợp với trẻ em tại Việt Nam, đảm bảo hội nhập về văn hóa, trong đó văn hóa về truyện tranh rất gần gũi với trẻ em. Chương trình là cầu nối sự thành công của Doraemon ở Nhật Bản với hệ thống các trường ở Việt Nam, đi vào các vấn đề cụ thể là giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng đảm bảo an toàn cho trẻ, đánh thức ý thức chung của xã hội về an toàn giao thông.