Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long:

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái

Tính đến 12 giờ ngày 29/5, Việt Nam có tổng cộng 5.213 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 3.643 ca.

Chú thích ảnh
Tỉnh Bắc Giang đã thành lập Bệnh viện Dã chiến số 2 tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang với quy mô 620 giường bệnh để tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Có 8 tỉnh (Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) 161.445 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 5.373 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 32.404 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 123.6 người.

Ở các khu công nghiệp sẽ kiểm soát được dịch nhưng không thể nhanh được

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đợt dịch lần thứ 4 này có đặc điểm bùng phát đa nguồn dịch, đa hình thái (chủ yếu trong khu công nghiệp, sau đó lây lan ra cộng đồng), đa chủng lây nhiễm. Virus lây lan nhanh, phát tán mạnh trong không khí, mức độ đào thải mầm bệnh rất nhanh, chỉ 1-2 ngày có 1 vòng lây nhiễm và theo cấp số nhân, đặc biệt lây nhiễm rất mạnh trong không gian hẹp, không thông khí. Triệu chứng bệnh có dấu hiệu tăng nặng, do đó, điều trị tích cực ở địa phương phải nâng cao hơn một mức.

Tại các khu công nghiệp (KCN) ở Bắc Giang, do mật độ công nhân đông, không gian nhà máy hẹp, khép kín, dùng chung nhà vệ sinh, ăn uống tập trung, đi xe chung, ở chung khu nhà trọ, tỉnh sẽ kiểm soát được dịch trong thời gian tới nhưng không thể trong thời gian ngắn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long rất quan ngại về tình hình ở Bắc Ninh, việc lây nhiễm từ cộng đồng vào KCN có xu hướng phức tạp hơn. Bộ Y tế nhận định và dự báo, tại Bắc Ninh, Bắc Giang, các trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục được ghi nhận do nguồn lây tồn tại trong thời gian dài, phạm vi rộng, nhưng cơ bản tình hình dịch bệnh tại hai địa phương đang cố gắng từng bước kiểm soát.

Tỉnh Bắc Giang chủ động và xây dựng phương án ứng phó với tình huống có 5.000 ca nhiễm, còn Bắc Ninh là 3.000 ca nhiễm. Một số địa phương, đặc biệt tại các đô thị tập trung đông người như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có thể vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch rải rác, các chùm ca bệnh trong cộng đồng.

Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, mặc dù ghi nhận các chùm ca bệnh, ca bệnh khác nhau, nhưng hai địa phương triển khai rất bài bản các giải pháp để giữ vững và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Việt Nam đã ký kết mua hơn 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số

Về việc thực hiện chiến lược vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết mục tiêu là tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021. Tuy nhiên nhu cầu vaccine ở các nước rất lớn, tình trạng khan hiếm trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tại Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, trong đó có 1 loại chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn thứ 3, Bộ Y tế đã tích cực đàm phán, tìm kiếm tất cả các nguồn vaccine phòng COVID-19 trên thế giới.

Cho tới nay, Việt Nam đã có ký kết, cam kết hơn 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra.  

Bên cạnh đó, tiến độ cung ứng vaccine cũng cần hết sức được quan tâm để các lô vaccine về sớm nhất. Bộ Y tế khẳng định ưu tiên cho Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho người dân tại hai địa phương này nhanh nhất có thể.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, việc bảo vệ các khu công nghiệp trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng để bảo vệ sản xuất công nghiệp. “Chúng ta đã xác định nguy cơ đối với các khu công nghiệp là cao nhất, có thể lây nhiễm rất nhanh, khó khăn trong vấn đề kiểm soát. Bộ Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết với tình huống lây nhiễm trong khu công nghiệp, lên phương án giãn cách sản xuất cụ thể trong từng nhà máy, KCN khi có dịch bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.  

Điều cần thực hiện ngay đó là phải tiến hành quản lý chặt chẽ công nhân từ nơi làm việc, khi đi trên phương tiện giao thông, đến nơi cư trú. Các khu công nghiệp phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc thường xuyên, tối thiểu từ 20% số công nhân trở lên. Trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp, cơ quan quản lý doanh nghiêp phải được tăng cường. Tăng cường khả năng tiếp cận vaccine cho công nhân trong các khu công nghiệp.

Giãn cách xã hội là biện pháp rất quan trọng để phòng chống dịch, các địa phương đã rất chủ động thực hiện khoanh vùng, cách ly quyết liệt nhưng ở phạm vi gọn nhất có thể, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh và đời sống ngươi dân.

Chú thích ảnh
V.T/Báo Tin tức
Vì sao người đã tiêm vaccine COVID-19 vẫn phải phòng dịch nghiêm túc?
Vì sao người đã tiêm vaccine COVID-19 vẫn phải phòng dịch nghiêm túc?

Một số người đã tiêm vaccine có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN