Cùng với chương trình của các bảo tàng, sự quan tâm của nhiều trường học, các bậc phụ huynh ngày càng chú ý hơn đến việc cho con trẻ tiếp cận và tham gia trò chơi dân gian.
Vui ở bảo tàng
Hai năm nay, cứ 1/6 và Trung thu, anh Thành (Khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đều đưa cô con gái Lê Anh Thư 5 tuổi đến Bảo tàng Dân tộc học. Bé Thư rất hào hứng với nhiều trò chơi ở đây. Hai dịp đó và Tết âm lịch, Bảo tàng Dân tộc học luôn tấp nập khách, đặc biệt là những “khách nhí”.
Các em thiếu nhi đang học làm đèn Trung thu trong Bảo tàng Dân tộc học. |
Vào những ngày này, trẻ được biết và được chơi rất nhiều trò chơi. Cùng với các trò chơi dân gian (chơi chuyền, đi cà kheo, nhảy dây thừng, bịt mắt đập niêu, kéo co, ô ăn quan, cướp cờ, chơi quay, nhảy bao bố…), trẻ còn được thử làm đồ chơi truyền thống (đèn kéo quân, đèn ông sao, đèn thỏ, ông tiến sĩ giấy, con giống chuyển động, đồ chơi bằng lá, chong chóng, nặn tò he…).
Theo chị Trần Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng Giáo dục (Bảo tàng Dân tộc học), chương trình Trung thu được bảo tàng tổ chức thường niên từ năm 2002 đến nay. Còn hoạt động vui Tết Nguyên đán thì cũng được duy trì đều đặn suốt từ năm 2001. Mỗi đợt có hàng ngàn trẻ tới vui chơi.
Đặc biệt, khoảng 5 năm gần đây, các trường học, cơ quan, công ty đã chủ động tìm đến bảo tàng. Mỗi năm, có khoảng 10 trường học đến với Bảo tàng cùng phối hợp tổ chức cho học sinh vui các trò chơi dân gian, làm đồ chơi truyền thống. Từ đầu năm 2012 đến nay, đã là các đoàn học sinh của Trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm; Trường tiểu học Dịch Vọng B, các trường mẫu giáo trên địa bàn Hà Nội.
Trò chơi dân gian cũng được nhiều trường quốc tế quan tâm. Từ năm 2005, Trường Quốc tế Liên hợp quốc và Trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin đã hợp tác với Bảo tàng Dân tộc học giới thiệu trò chơi dân gian Việt Nam và cách làm đồ chơi truyền thống cho học sinh. Mỗi tháng, trường Alexandre Yersin dành 4- 6 buổi để giới thiệu đầy đủ một quy trình làm đồ chơi dân gian cho các em nhỏ (làm diều, làm quả còn, chơi trò ném còn của đồng bào dân tộc Tày, chơi trò đánh cầu lông gà hay ném pao của đồng bào dân tộc Mông…). Năm 2011, có thêm trường quốc tế Xinhgapo góp mặt vào hoạt động này.
“Có lúc, cán bộ bảo tàng trực tiếp hướng dẫn. Có khi chúng tôi mời đích thân thợ thủ công ở các địa phương về trình diễn, hướng dẫn trẻ làm đồ chơi dân gian. Có khi chúng tôi mời sinh viên một số trường đại học tới hướng dẫn các em trò chơi dân gian dân tộc thiểu số”, chị Thu Thủy cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh ngày càng chú ý cho con trẻ chơi trò chơi dân gian. Nhiều nhóm gia đình đã liên hệ nhờ bảo tàng tổ chức chương trình vui chơi cho con em. Theo chị Thu Thủy, trong danh sách có cả trò chơi dân gian của quốc tế và trò chơi dân gian của Việt Nam, nhưng hầu hết các bố, các mẹ chọn trò chơi dân gian thuần Việt cho con mình.
Vài năm gần đây, nhiều nơi như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật, Công viên nước Hồ Tây, phố cổ Hà Nội… cũng tổ chức các hoạt động tương tự. Bảo tàng một số tỉnh, thành cũng cử cán bộ tới Bảo tàng Dân tộc học học hỏi kinh nghiệm về làm tại địa phương.
Chơi trong trường học
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, với trẻ em, trò chơi dân gian nói chung có tác dụng rèn luyện thể lực, trí tuệ, sự nhanh nhẹn, mạnh dạn, tinh thần tập thể… Riêng những trò gắn với việc tạo ra đồ chơi truyền thống, trẻ còn được rèn sự khéo léo, cẩn thận. Bằng việc quan sát, trải nghiệm và thử làm, trẻ thêm hiểu biết về lịch sử, văn hóa, tri thức khoa học.
Nhưng việc đưa trò chơi dân gian vào tổ chức trong trường học không phải là điều đơn giản khi hiện nay, học sinh đang phải đối mặt với áp lực chương trình học quá nặng, còn giáo viên thì chưa có chuyên môn.
Tháng 6/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học tập huấn cho giáo viên các trường phổ thông dân tộc nội trú đưa trò chơi dân gian vào trong trường học. Tại đây, một số gợi ý đã được đưa ra để các giáo viên tham khảo nhằm đưa trò chơi dân gian vào trường học: lồng ghép vào giờ thể dục, trong giờ ra chơi giữa buổi, dịp khai giảng, bế giảng hoặc các ngày lễ kỷ niệm của trường.
Đặc biệt, với các trường dân tộc nội trú, giáo viên có thể “ra bài tập” cho học sinh sưu tầm trò chơi dân gian của dân tộc mình, giới thiệu với các bạn trong lớp. Thông qua cách này, giáo viên cũng làm giàu thêm hiểu biết của mình về vốn trò chơi dân gian.
Sinh viên cũng là nhân tố nhiều tiềm năng góp phần lan tỏa trò chơi dân gian đến với thiếu nhi. Theo chị Vũ Hồng Nhi, cán bộ văn hóa của Bảo tàng Dân tộc học, nhiều năm qua, để phục vụ cho các sự kiện lớn, bảo tàng tuyển rất nhiều tình nguyện viên để tập huấn phục vụ sự kiện.
Các bạn học hỏi được cách tổ chức trò chơi, về sau, khi tham gia vào các chương trình tình nguyện của sinh viên, những vốn hiểu biết đó được các bạn vận dụng giới thiệu trò chơi dân gian cho các em học sinh nhiều nơi.
Với sự tham gia của các bảo tàng, sự quan tâm của nhiều trường học, hy vọng trò chơi dân gian sẽ được giới thiệu ngày càng rộng rãi cho thiếu nhi, góp phần giáo dục, rèn luyện nhân cách cho trẻ.
Mạnh Minh