Đưa vào sử dụng 1.800 cầu dân sinh, vượt tiến độ 200 cầu

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), đến đầu năm 2020, Tổng cục đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 1.800 cầu dân sinh tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn, vượt tiến độ so với hiệp định vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) 200 cầu.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường bộ địa phương (LRAMP) được triển khai từ năm 2015, xây dựng trên 4.100 cầu dân sinh trên phạm vi 50 tỉnh, thành phố. Dự án được WB tài trợ tổng vốn vay 5 triệu USD, tương đương khoảng gần 9.000 tỷ đồng. Phía WB cũng ủng hộ thực hiện giai đoạn II xây dựng số cầu này.

Mới đây nhất, cầu dân sinh Mã Pì Lèng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vừa được đưa vào sử dụng, đã góp phần xóa sự chia cắt bởi dòng sông Nho Quế chảy qua địa phương, kết nối giao thông, giao thương, tạo điều kiện thuận lợi, giúp bà không không còn cảnh lội sông suối vào mùa nước lũ.

Chú thích ảnh
Đường vào các cầu dân sinh xây dựng tại thôn bản vùng cao tại Hà Giang.
Chú thích ảnh
Đường duy nhất dẫn vào cầu Mã Pì Lèng vừa hoàn thành.
Chú thích ảnh
Cầu dân sinh Mã Pì Lèng vừa hoàn thành.

“Đây là một trong nhiều cầu dân sinh thuộc dự án LRAMP được xây dựng tại tỉnh Hà Giang, thay thế những cây cầu treo cũ nát, mất an toàn giao thông hoặc những nơi ngầm nước mùa mưa lũ, gây nguy hiểm cho bà con. Cầu Mã Pì Lèng hoàn thành, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là các huyện, xã vùng sâu, vùng xa”, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết.

Chú thích ảnh
Cầu xóa cảnh chia cắt vào mỗi  mùa mưa lũ.
Chú thích ảnh
Cầu Mã Pì Lèng bắc qua dòng sông cạn
Chú thích ảnh
Cầu Mã Pì Lèng nhìn từ đỉnh Mã Pì Lèng.

Qua tìm hiểu, trước khi có cầu Mã Pì Lèng, việc đi lại của bà con đồng bào dân tộc tại đây gặp nhiều khó khăn. Vào mùa mưa lũ, các hộ dân phải cùng nhau lắp ghép những cây tre, nứa thành bè để qua dòng nước xiết, nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, kinh tế của bà con nơi đây phụ thuộc nhiều vào việc canh tác nông sản, mỗi vụ mùa thu hoạch, việc vận chuyển sản phẩm đi bán khó khăn. Nhiều mùa vụ, nông dân phải chứng kiến sản phẩm thu hoạch phải vứt bỏ, vì không thể đưa hàng hóa qua dòng nước dữ...

50 tỉnh thực hiện dự án cầu dân sinh gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quang Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Đồng Tháp và Bến Tre.

"Đặc biệt, trong quá trình đấu thầu xây dựng hợp phần cầu, các địa phương đã tiết kiệm và xây thêm được khoảng 270 cây cầu. Hết năm 2020, hợp phần dự án sẽ hoàn thành được khoảng 2.400 cầu, vượt số cầu thực hiện trong dự án LRAMP so với Hiệp định đề ra tại Việt Nam. Các cầu hoàn thành được WB đánh giá cao về tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, các vấn đề về môi trường, giá thành và chất lượng công trình”, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết thêm.

Hiếu - Hùng/Báo Tin tức
Khánh thành 10 cây cầu dân sinh trên địa bàn biên giới
Khánh thành 10 cây cầu dân sinh trên địa bàn biên giới

Ngày 15/8, tại xã Bình Phú, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến tham dự lễ khánh thành 10 trong số 12 cây cầu dân sinh được vận động từ các nguồn tài trợ cho huyện biên giới Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN