Đường dây nóng về vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Nội

Đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân về các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Nội đã được chính thức công bố vào chiều 7/5, trong buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức.

Đó là các số điện thoại: Sở Công thương: 1900585826; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 043 00115; Sở Y tế: 043 998 5765. Đây là hành động thiết thực tiếp theo việc Hà Nội công bố rộng rãi tên các cơ sở không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, Hà Nội hiện có 59.109 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Ngoài ra còn có 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp; 7 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bán công nghiệp; 4 khu giết mổ gia súc, gia cầm thủ công; khoảng 2.490 điểm, hộ giết mổ nhỏ, lẻ thủ công.

Hà Nội cũng có 412 chợ phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 90 siêu thị; 20 trung tâm thương mại. Với số lượng cơ sở thực phẩm quá lớn như trên dẫn đến tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn còn diễn biến phức tạp.

5 tháng đầu năm nay, thành phố đã tổ chức 766 đoàn thanh kiểm tra, tiến hành kiểm tra tại 48.899 cơ sở, trong đó phát hiện 7.872 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm.

Các cơ quan chức năng đã xử lý hơn 6200 cơ sở với nhiều hình thức như cảnh cáo, phạt tiền với tổng số tiền phạt lên tới hơn 13 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Thành phố cũng đã lấy 775 mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm, phát hiện 49 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh vật, hoá học theo hồ sơ cơ sở tự công bố.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn còn gặp khó khăn. Trong đó, việc thí điểm thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai từ 15/1/2015 và sẽ kết thúc 15/11/2016 với nhiều quy định, quy trình chặt chẽ.


Việc xử phạt các đơn vị vi phạm bước đầu đã thực hiện ở các xã, phường nhưng quá trình thanh tra, xử lý gặp khó khăn do nhiều viên chức xã, phường chưa có kiến thức, kinh nghiệm thanh tra... Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm hành chính.

Tâm lý "làng xóm, họ hàng" cũng phần nào làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính. Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu không đảm bảo từ các tỉnh về Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn còn tồn tại. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, rau, củ, quả kinh doanh tại các chợ, các điểm nhỏ, lẻ gặp nhiều khó khăn.

Nhân lực triển khai tại các quận, huyện được phân công theo dõi về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp...

Tuyết Mai (TTXVN)
ASEAN xây dựng khung pháp lý về an toàn thực phẩm
ASEAN xây dựng khung pháp lý về an toàn thực phẩm

Hội thảo về khung pháp lý an toàn thực phẩm ASEAN đã được tổ chức tại Indonesia trong ngày 9 và 10/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN