Kỷ lục về hạn hán và xâm mặn
Do ảnh hưởng của El Nino, mùa mưa 2015 đến muộn và kết thúc sớm, tổng lượng mưa phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm ở các khu vực của nước ta, đặc biệt là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, có thể đến 30 - 60%. Lượng dòng chảy trong các sông suối thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 30 - 50%, một số nơi lớn hơn. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, xâm mặn, gây thiệt hại nặng nề và đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân.
Ông Trương Hiếu Thuận, ngụ ấp Ranh Hạt, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) bên ruộng lúa bị thối rễ đang chết dần. Ảnh: Lê Sen – TTXVN |
Cùng với đó, dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn đã xuất hiện sớm. Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài cường độ mạnh, El Nino 2014 - 2016 là một trong những El Nino kéo dài nhất trong lịch sử.
Theo tính toán, khi độ mặn vượt quá 1 phần nghìn là đã không thể sử dụng được cho sinh hoạt, nếu vượt quá 4 phần nghìn cây không sinh trưởng được và chết. Thực tế, theo ghi nhận tại nhiều tỉnh ở ĐBSCL, có thời điểm độ mặn đã lên đến 8 - 9 phần nghìn. Đây được đánh giá là đợt xâm nhập mặn nhanh chưa từng có trong nhiều năm qua khiến nhiều địa phương “trở tay” không kịp.
TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí tượng - khí hậu (Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu) cho biết, theo dự báo, đến cuối tháng 4 đầu tháng 5 mùa mưa ở Nam Bộ mới bắt đầu nên khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ còn có những diễn biến phức tạp. Nhận định diễn biến mặn sẽ tiếp tục gia tăng ít nhất đến nửa cuối tháng 3, sau đó tùy vào lượng mưa và nước sông Mê Kông chảy về mới xác định được xu thế tiếp theo.
Theo đánh giá, với diễn biến như hiện nay, khả năng cao tình trạng nắng nóng sớm với cường độ mạnh trong năm nay sẽ diễn ra ở khu vực Bắc Trung Bộ, nửa cuối năm, diễn biến về bão áp thấp nhiệt đới sẽ phức tạp hơn.
Ứng phó với thời tiết ngày càng cực đoan
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, biến đổi khí hậu sẽ khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng với cường độ ngày càng mạnh, trong đó El Nino là một biểu hiện. Hiện tượng El Nino gây tác động ngay tháng giêng, thời tiết tại Việt Nam lạnh hơn trung bình 0,5 - 1 độ với đợt rét kỷ lục, còn toàn thế giới thì tháng giêng vừa rồi vẫn nóng, châu Nam Cực ở một số nơi ghi nhận 17,8 độ C chưa bao giờ xảy ra ở nơi này.
Để ứng phó với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT - TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Các địa phương tập trung rà soát cân đối nguồn nước để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, trong đó ưu tiên cho nước sinh hoạt, nước uống cho gia súc, cây lâu năm có giá trị cao; điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng chuyển dịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi, thủy sản để phù hợp với điều kiện nguồn nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế và an sinh xã hội. |
“Hiện tượng cực đoan ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu (BĐKH). Do El Nino tháng 7 năm ngoái, Quảng Ninh mưa ngập mà Bình Thuận không có mưa, một sự chênh lệch quá lớn. Thời tiết cực đoan càng về sau sẽ càng mạnh. Do đó, cần chuẩn bị tinh thần ứng phó với những hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra ác liệt hơn trong năm 2016”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trung bình hàng năm số người thương vong và thiệt hại về kinh tế do thiên tai và hiện tượng cực đoan ở Việt Nam so với các nước khác là khá cao, trong khi đó những rủi ro do tác động của BĐKH ngày càng gia tăng. Do đó, cần thiết của việc khuyến khích sự tham gia của người dân vào quá trình quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với BĐKH.
Những bài học từ ứng phó thiên tai cho thấy, thích ứng với BĐKH không chỉ nên tập trung vào các giải pháp công trình mà cần có sự kết hợp hài hòa với các biện pháp như sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của người dân, kết hợp với các biện pháp cải thiện sinh kế và nâng cao nhận thức. Việc chia sẻ thông tin kịp thời sẽ phục vụ cho việc xây dựng chính sách, các kế hoạch và biện pháp ứng phó phù hợp, hiệu quả.
TS. Mai Văn Khiêm đề xuất, để ứng phó, khắc phục với El Nino và xâm nhập mặn ở Việt Nam nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng cần xây dựng và hoàn thiện các phương án giám sát, dự báo và cảnh báo các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan, như El Nino và hạn hán... Có quy hoạch và quản lý tổng thể các lưu vực sông, hệ thống các hồ chứa nước; nâng cấp và bảo dưỡng hệ thống kênh, các cống ngăn giữa ngoài biển và trong đồng; gia tăng các biện pháp ngăn chặn phá rừng và gây cháy rừng, phát thải khí cácbonic vào không khí...
“Đặc biệt cần tăng cường công tác tổ chức, quản lý thiên tai của Nhà nước và của các ngành đối với tác động của El Nino như một bộ phận của chiến lược quốc gia về phát triển bền vững. Chuẩn bị những điều kiện để sống chung với El Nino và xâm nhập mặn, ví dụ như dự trữ nước ngọt, chú trọng các biện pháp công trình phát triển, bảo vệ nguồn nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nước; sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước... .”, TS Khiêm đề xuất.