Game online và những hệ lụy - Bài cuối: Cần sự chung tay

Thế giới ảo trên internet đang từng ngày lôi cuốn người dùng chạy theo những giá trị ảo của nó. Để có thể tỉnh táo trong chính thế giới ảo, chúng ta cần nhận thức rõ ý nghĩa và mục đích sử dụng của bản thân.

 

Giáo dục là nền tảng


Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội - Hiệu trưởng trường PTTH DL Đinh Tiên Hoàng, nhận thức là vấn đề tiên quyết để có thể hướng tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách có được cái nhìn đúng đắn để sử dụng những ứng dụng của internet đúng mục đích và đúng giới hạn.

 

Hoạt động sinh hoạt tập thể của các học sinh Trường Phổ thông nội trú IVS.

 

Nhận thức đúng đắn cần được tác động từ nhiều phía mà gia đình, nhà trường, xã hội chính là những phương tiện thông tin tin cậy và quý giá giúp người sử dụng có được sự định hướng rõ ràng từ khi bắt đầu tiếp cận các loại hình game hay mạng xã hội. TS Nguyễn Tùng Lâm cũng chia sẻ: “Mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể nào về vấn đề này trong các môn học của học sinh tại các trường THPT nhưng trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng đã có những buổi học riêng thảo luận về tác dụng tốt xấu của mạng xã hội hay game online. Bên cạnh đó nhà trường còn đề ra 10 quy định giao tiếp văn hóa trên mạng xã hội và quy ước các bạn bè chơi với nhau cần giúp đỡ và mạnh dạn có ý kiến đối với các trường hợp có hành vi giao tiếp không văn hóa trên mạng xã hội. Đây là những việc làm thể hiện sự quan tâm của nhà trường đến những vấn đề thế giới ảo trên internet đang ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh hiện nay”.


Tuy nhiên đối với những trường hợp đã rơi vào tình trạng nghiện hay đang có xu hướng lạm dụng, nghiện game, mạng xã hội thì TS Nguyễn Tùng Lâm cũng đưa ra lời khuyên: “Để giúp đỡ các em cân đối lại, bên cạnh việc giúp các em nhận thức được rằng các em đang đánh mất mình, chúng tôi hướng các em chuyển sang các đam mê khác lành mạnh hơn như thể thao, nghệ thuật. Bản thân gia đình cũng phải là người trực tiếp giúp đỡ. Đây là vấn đề cần thời gian và sự tác động, trị liệu tâm lý dần dần chứ không thể chỉ dùng lời lẽ khuyên nhủ đơn thuần”.

 

“Dạy các em mục tiêu sống”


Trường phổ thông nội trú IVS được đưa vào thử nghiệm từ năm 2008 và đến năm 2010 thì chính thức thành lập. Cả trường có khoảng 400 học sinh, trong đó có 200 em là thuộc lớp cai nghiện game. Hiện nay số học sinh vào trường đã tăng 30% so với khi mới thành lập, do ngày càng có nhiều phụ huynh ở các nơi trên khắp cả nước biết đến gửi gắm con vào đây, thậm chí cả những vị phụ huynh ở nước ngoài cũng đưa con về đây nhờ trường giúp đỡ.


Mục đích ban đầu của trường là dạy các học sinh có biểu hiện đạo đức kém, ham chơi, lười học, đua đòi… “Tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, nhà trường đã phát hiện rất nhiều trường hợp học sinh cá biệt đều có chung biểu hiện là nghiện game, bên cạnh đó nhà trường cũng nhận được rất nhiều phản hồi góp ý từ phía các bậc phụ huynh về tình trạng con em mình nghiện game nên nhà trường đã quyết định mở lớp cai nghiện game cho các em học sinh. Nhà trường cũng đã có sự nghiên cứu tâm lý, khoa học, các phương pháp giáo dục trong và ngoài nước… để có thể đưa ra các phương pháp tốt nhất giúp các em cai nghiện game. Mục đích là giúp các em lấy lại niềm tin vào bản thân, phát huy những năng lực cá nhân và hình thành mục tiêu sống cho mình”, đại diện trường IVS cho biết.


Em Hoàng T, 18 tuổi (TP Hồ Chí Minh), trước đây đã từng bỏ nhà đi vì bị bố mẹ cấm chơi game. Tuy nhiên, sau 1 năm học tập và rèn luyện tại trường, giờ đây T đã có thành tích học tập tốt, từ bỏ hẳn game online. Em chia sẻ: “Năm nay em sẽ cố gắng thi đỗ vào Đại học Thể dục thể thao để sau này có thể trở thành giáo viên dạy bơi. Em còn rất thích nhảy nữa, nên rất muốn tham gia vào một nhóm nhảy”. Khi nói về ước mơ của mình ánh mắt T bừng sáng hy vọng.


Việc cai nghiện game cũng đòi hỏi sự nỗ lực của người giáo viên và cả bản thân các học sinh. Những ngày đầu tình trạng chung của nhiều em là bứt rứt trong người, luôn tỏ ra cáu giận hay chán nản… Gặp những trường hợp như thế giáo viên trường nội trú IVS lại phải từ tốn khuyên nhủ, gần gũi để chia sẻ và thấu hiểu các em hơn. Bên cạnh đó, thời khóa biểu khoa học với lịch sinh hoạt và học tập đều đặn chính là mô hình nhà trường đề ra giúp các em tìm lại những đam mê thực tế và lành mạnh trong cuộc sống. Các học sinh ở đây không chỉ được học về văn hóa mà còn cả các môn thể thao để rèn luyện sức khỏe, các môn nghệ thuật để có thêm kỹ năng trong cuộc sống. Nhà trường còn tổ chức nhiều cuộc giao lưu với học sinh trường khác để các em có thể hòa nhập và giao tiếp tốt hơn hay đưa các em đi thi đấu trong những cuộc thi thực sự để các em có được những mục tiêu phấn đấu.


Thầy Phạm Quang Long, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển võ Việt Nam và thể thao chia sẻ: “Chúng tôi không coi các em là những học sinh “cá biệt”, mà đối với chúng tôi các em là những học sinh “đặc biệt”. Qua thực tế, chúng tôi phát hiện ra rằng các em nghiện game thường không có mục tiêu sống, vì vậy nhà trường không chỉ đơn thuần tạo một môi trường sống lành mạnh nền nếp cho các em, mà chúng tôi muốn dạy cho các em mục tiêu sống để các em nhận thức rõ được ý nghĩa cuộc sống của mình, có như vậy thì dù có ra ngoài xã hội và rời xa môi trường hiện nay thì các em cũng không quay lại chơi game nữa”.


Bài và ảnh: Vân Ly

Game online và những hệ lụy
Game online và những hệ lụy

Game online đã trở thành một “căn bệnh” gây nghiện, đặc biệt là với giới trẻ, lứa tuổi đang dần hoàn thiện nhân cách, thì thế giới trong các trò chơi vô tình đã biến các em thành những kẻ bạo lực, côn đồ, thậm chí là hoang tưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN