Lợn chờ giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN phát |
Liên quan đến vụ việc lực lượng chức năng vừa bắt quả tang một cơ sở
giết mổ ở TP Hồ Chí Minh đang tiêm thuốc an thần cho hơn 5.000 con lợn
trước khi đưa vào giết mổ, ngày 30/9, tại buổi họp báo thông tin về vấn
đề này, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh
tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, có tới 3.750 con
lợn cho kết quả dương tính với thuốc an thần.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, ngay khi ở hiện trường vụ việc, đoàn kiểm
tra đã tiến hành kiểm nghiệm nhanh dung dịch đang được công nhân tiêm
vào lợn thì phát hiện có chứa Axeprocemin (một loại chất an thần) có hàm
lượng rất cao (0,47 - 0,51 mg/lít). Đoàn cùng kiểm tra 140 mẫu nước tiểu
lấy từ 21 chủ các lô lợn trong cơ sở và các mẫu thuốc vỏ chai truyền
nước biển đang được chích vào lợn.
Kết quả, có 13 trong tổng số 21 lô hàng này dương tính với hoạt chất
an thần, với tổng số lợn vi phạm là 3.750 con.
Kết quả cũng không phát
hiện ra các chất cấm (chất tạo nạc, tăng trọng) tồn dư. Loại thuốc an
thần mà các đối tượng sử dụng có tác dụng làm cho lợn ngủ li bì, không
đi tiểu để hạn chế hao hụt trọng lượng và gây khó khăn cho cơ quan chức
năng khi kiểm tra chất cấm trước khi giết mổ. Ngoài ra, thuốc này còn
làm màu sắc thịt đẹp hơn để lừa dối người tiêu dùng hoặc làm con vật
không kêu, không giãy giụa, giảm đau đớn để thương lái dễ dàng vận
chuyển và thực hiện hành vi bơm nước vào lợn.
Trước hành vi vi phạm trên, cơ quan chức năng đã lập biên bản hành
chính, ra quyết định xử phạt từ 30 - 35 triệu đồng đối với chủ của 13 lô
hàng vi phạm trên, trong đó, có hai hộ khai báo không thành khẩn chịu
mức phạt 35 triệu đồng.
Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí
Minh, đây không phải là trường hợp đầu tiên thành phố phát hiện, xử lý
các trường hợp tiêm chích thuốc an thần vào lợn. Từ đầu năm đến nay, Chi
cục Thú y thành phố đã phát hiện, xử lý 7 trường hợp tiêm thuốc an thần
tại các cơ sở giết mổ. Đặc biệt, các đối tượng chuyển đổi từ hình thức
tiêm chích, thời gian cho đến thay đổi loại thuốc sử dụng để tiêm chích
cho lợn khiến cơ quan chức năng “khó mà lần” theo được.
Cụ thể, nếu như trước đây, các đối tượng tiêm chích thuốc an thần
cho lợn trước khi đưa vào lò mổ nên tại đây, cán bộ thú y khi kiểm tra
sẽ phát hiện, bắt giữ, thì nay, việc tiêm chích cho lợn được lén lút tổ
chức ngay trong khu vực lò mổ.
Bên cạnh đó, trước đây các đối tượng làm ăn gian dối thường sử dụng
loại thuốc an thần sản xuất trong nước để chích cho lợn, tuy nhiên loại
thuốc này có thời gian đào thải dài (5 - 7 ngày) nên khi bị cơ quan chức
năng phát hiện sẻ phải lưu giữ lâu (5 - 7 ngày) mới được đem đi giết mổ.
Nhưng gần đây, những đối tượng đã chuyển qua sử dụng thuốc nhập ngoại
(thường là từ Bỉ) để chích cho lợn vì thời gian đào thải ngắn hơn, chỉ
có 24 tiếng. Do vậy, trong chiều nay (30/9), cơ quan chức năng sẽ lấy
mẫu để kiểm tra lại, nếu hết tồn dư thuốc an thần sẽ cho giết mổ. Hiện
đã có một số lợn bị chết hoặc lừ đừ, mệt mỏi.
Cũng theo Chi cục Thú y thành phố, hiện có 17 cán bộ thú y của Chi
cục Thú y thành phố cắm chốt thường xuyên tại lò mổ Xuyên Á, tuy nhiên,
chỉ thực hiện kiểm tra ở một số thời điểm nhất định trong ngày.
Lợn bị tiêm thuốc an thần chờ giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN phát |
Trước câu hỏi, liệu có khả năng các cán bộ thú y tại đây tiếp tay
cho các đối tượng vi phạm hay không, ông Phát cho rằng, ngay sau khi sự
việc xảy ra, các cán bộ thú y ở cơ sở Xuyên Á đã phải giải trình và báo
cáo toàn bộ quy trình kiểm dịch tại đây. “Nếu phát hiện vi phạm, Chi cục
Thú y sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật và công khai trước dư
luận”, đại diện Chi cục Thú y khẳng định.
Được biết, số lượng lợn giết mổ ở cơ sở Xuyên Á khoảng hơn 5.000
con/ngày, chiếm 50% lượng tiêu thụ của TP Hồ Chí Minh. Nếu việc chích an
thần vào lợn không bị phát hiện, thuốc chưa bài thải hết gây tồn dư
trong thịt khi bán ra thị trường sẽ gây hại đến sức khỏe người tiêu
dùng. Người dùng sản phẩm chứa chất này có thể bị tăng nguy cơ mắc các
bệnh về tiêu hóa, bệnh về thận, thần kinh, gây đãng trí, trầm uất, run
tay chân…
Trước đó, vào đêm 28, rạng sáng 29/9, Đoàn công tác liên ngành gồm
Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y, C49 - Bộ
Công an và Chi Cục Thú y TP Hồ Chí Minh đã bắt quả tang 2 nhân viên của
cơ sở giết mổ Xuyên Á (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh)
đang bơm thuốc an thần vào lợn để giết mổ trong đêm.
Tại hiện trường, lợn được tiêm thuốc an thần nằm la liệt. Các cơ
quan chức năng đã phát hiện nhiều vỏ lọ thuốc, dung dịch màu vàng được
đựng trong chai truyền nước (ghi dung dịch thuốc an thần) và các dụng cụ
dùng để tiêm thuốc an thần cho lợn. Qua kiểm tra ban đầu, đoàn phát
hiện 5.231 con lợn đã được tiêm thuốc an thần để chuẩn bị giết mổ; số
lợn chưa kịp tiêm là 587 con.