Tỉnh Đắk Nông đang tồn đọng 5.799 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) chưa giao được cho người dân. Trong đó, huyện Đắk Mil tồn đọng nhiều nhất với 2.630 "sổ đỏ". Các huyện Krông Nô, Tuy Đức, Cư Jut, Đắk R’lấp tồn đọng từ 272 đến 1419 sổ. Thị xã Gia Nghĩa tồn đọng ít nhất là 52 sổ đỏ. Trong khi đó, tiến độ cấp “sổ đỏ” chung của toàn tỉnh vẫn chậm so với yêu cầu.
Nguyên nhân của thực trạng này là do một số hộ dân chưa ý thức được quyền của người sử dụng đất khi được Nhà nước cấp “sổ đỏ”. Một số người không có nhu cầu sử dụng, giao dịch khi cầm cố vay ngân hàng, mua bán đất đai bằng “sổ đỏ”, khi mua bán chỉ sử dụng giấy viết tay.
Người dân kê khai làm "sổ đỏ" tại UBND xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Ảnh: baodaknong.org.vn |
Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, người dân tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng không nhiều, không hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với việc quản lý đất đai, nên ít quan tâm đến việc sử dụng “sổ đỏ”.
Trong quá trình giao dịch, những thửa đất đã viết giấy chứng nhận theo tên mới do cho, tặng, thừa kế, mua bán nhưng người dân không chịu đến cơ quan có chức năng để hoàn tất thủ tục. Một số hộ tuy đã mua đất, nhưng không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính khi xác định diện tích theo quy định nên không thể nhận được “sổ đỏ”. Thời gian từ khi đăng ký làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến khi phát “sổ đỏ” khá lâu nên số lượng đất biến động nhiều, một số trường hợp khi người dân nhận được “sổ đỏ” thì không còn đúng diện tích khi đo đạc.
Một số nơi, Đảng ủy và UBND cấp xã chưa thực sự quan tâm đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ giao khoán cho cán bộ địa chính, ít kiểm tra nhắc nhở; cán bộ địa chính cấp xã thường xuyên phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên công tác kê khai, báo cáo không được thường xuyên. Hơn nữa, địa bàn các xã, huyện thuộc tỉnh Đắk Nông rộng và địa hình khá dốc, giao thông đi lại còn khó khăn do xa trung tâm xã đặc biệt là ở các buôn dân tộc thiểu số nhất là trong mùa mưa, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi kê khai đăng ký của người dân.
Tại một số địa phương, khi luân chuyển cán bộ địa chính, công tác bàn giao làm chưa tốt nên cán bộ sau không biết được trước đây cán bộ tiền nhiệm làm những gì. Tại một số ít địa phương, cán bộ địa chính cố tình dây dưa, làm khó dễ không chịu đưa “sổ đỏ”cho người dân nhằm mục đích “vòi tiền”.
Tại huyện Đắk Mil, số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho 2.630 đối tượng, nhưng đây là những “sổ đỏ” cấp cho phần đất nay thuộc địa bàn huyện Đắk Song (tháng 6/2001 huyện Đắk Mil tách thành 2 huyện Đắk Mil và Đắk Song), đến nay những hộ dân được cấp “sổ đỏ” ở huyện Đắk Song do nhiều nguyên nhân vẫn chưa quay lại để làm thủ tục chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Nguyễn Ngọc Minh