Gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương

Theo Quyết định số 1856/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2010 đến năm 2020, các địa phương sẽ đền bù, giải tỏa xong các công trình ảnh hưởng đến hành lang an toàn đường bộ, hoàn thành cắm mốc lộ giới trên tất cả các tuyến quốc lộ bàn giao cho địa phương quản lý và kiện toàn hệ thống cầu vượt giao cắt lập thể tại những điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ.

 

Phá dỡ hàng quán, cây cối vi phạm hành lang tuyến quốc lộ 18A thuộc địa phận xã Minh Thành, huyện Yên Hưng (Quảng Ninh).

 

Tuy nhiên đến nay, công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương đang gặp quá nhiều khó khăn. Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh các chính sách đền bù đất hành lang an toàn giao thông (ATGT) và mặc dù còn nhiều vướng mắc, ngành GTVT quyết tâm lập lại trật tự hành lang ATGT.

 

Nan giải


Thực hiện giai đoạn III của Quyết định 1856/TTg, Bộ GTVT cho biết khối lượng công việc thực hiện đến thời điểm này không chỉ quá lớn, mà công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phát sinh nhiều bất cập, vướng mắc, chưa kể kinh phí đền bù. Qua rà soát tại 30 tỉnh, thành phố về phân loại việc sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ đã cho thấy, tổng diện tích đất cần giải tỏa lên tới hơn 99 triệu m2, trong đó diện tích đất hợp pháp hơn 80 triệu m2, đất lấn chiếm khoảng trên 10 triệu m2, đất cấp sai hơn 1,1 triệu m2; khối lượng công trình xây trên đất hợp pháp khoảng 22 triệu m2, trên đất sử dụng khác khoảng 44,6 triệu m2, dự kiến tổng mức đền bù lên tới hơn 713.000 tỷ đồng. Chính khoản tiền đền bù khổng lồ này, cùng với diện tích đất dự kiến phải thu hồi giải tỏa trắng cực kì lớn, khiến giai đoạn III của kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ tưởng như bế tắc.


Theo báo cáo của các Khu quản lý đường bộ (Bộ GTVT), sự vào cuộc của các cấp chính quyền nhiều địa phương chưa quyết liệt là nguyên nhân khiến công tác giải phóng mặt bằng nảy sinh nhiều bất cập. Điển hình như tỉnh Quảng Ninh, đến nay, công tác giải tỏa hành lang đường bộ, đường sắt trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Việc quản lý cấp đất xây khu dân cư, khu công nghiệp dọc các tuyến quốc lộ và quy hoạch xây dựng đường gom tại các điểm đấu nối trực tiếp vào quốc lộ hiện chưa được cấp huyện, cấp xã quan tâm đúng mức; cộng với việc địa phương đang “ách tắc ” trong việc xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân nằm trong diện bị giải tỏa… khiến công tác giải tỏa hành lang an toàn đường bộ bị trì hoãn.


Điều đáng lo ngại nữa hiện nay là tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra trong quá trình giải tỏa, quản lý, bảo vệ kết cấu hành lang an toàn đường bộ có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ năm 2002 - 2012 đã xảy ra 14 vụ chống người thi hành công vụ như cản trở, lăng mạ, đe dọa, dùng vũ lực, gây tai nạn cho người đang thi hành công vụ. Nguyên nhân là do việc xử lý các trường hợp vi phạm, chống người thi hành công vụ tại một số địa phương chưa nghiêm, nên thiếu tính răn đe, giáo dục.

 

Trách nhiệm của các tỉnh


Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh một số nội dung quan trọng của Quyết định số 1856/2007/QĐ-TTg liên quan đến chính sách đền bù đất hành lang ATGT. Nếu được Thủ tướng chấp thuận, sẽ tháo gỡ được những khó khăn lớn của nhiệm vụ lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ giai đoạn III.


Trong đó, nội dung quan trọng nhất mà Bộ GTVT đề xuất là điều chỉnh chính sách đền bù giải tỏa phần đất lưu không dọc 2 bên tuyến đường bộ. Theo đó, toàn bộ phần đất của đường bộ dọc 2 bên các tuyến quốc lộ thuộc “đất của đường bộ” quy định trong Luật Giao thông đường bộ 2008 sẽ được đền bù giải tỏa hoàn toàn (2 - 3 m từ mép nhựa ra 2 bên đường), thuộc trách nhiệm quản lý bảo vệ của đơn vị quản lý đường bộ. Phần hành lang an toàn đường bộ từ giáp ranh đất của đường bộ ra hai bên là 13 m với đường cấp III, 17 m với đường cấp I, II… sẽ tiến hành thống kê giải tỏa những công trình và cây cối có ảnh hưởng đến ATGT, đồng thời chuyển đổi từ đất ở, đất phi nông nghiệp thành đất nông nghiệp. Như vậy, đối với phần hành lang an toàn đường bộ chỉ bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất và thiệt hại tài sản gắn liền với đất. Phần đất này sau khi bồi thường, người dân vẫn giữ quyền sử dụng làm đất nông nghiệp không gây ảnh hưởng đến ATGT và kết cấu hạ tầng giao thông, do chính quyền địa phương quản lý.


Thực hiện Quyết định 1856/TTg giai đoạn III những năm tới, theo phân công công tác của Thủ tướng Chính phủ tại quyết định này, UBND các tỉnh sẽ là cấp chịu trách nhiệm chính trong việc lập lại trật tự hành lang ATGT đường bộ. Theo đề xuất của Bộ GTVT, tiến độ thực hiện giai đoạn III được đề nghị điều chỉnh: Đến hết năm 2017, thu hồi hết phần đất của đường bộ và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ gây ảnh hưởng đến ATGT trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các nút giao và các điểm đen tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Đến hết năm 2020, thu hồi hết phần đất của đường bộ và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ trên tất cả các tuyến quốc lộ còn lại. Sau khi đền bù, phần đất của đường bộ được bàn giao cho các đơn vị quản lý đường bộ quản lý; phần đất trong hành lang an toàn đường bộ bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý sử dụng.


Theo ý kiến của các chuyên gia, nguyên nhân xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ hiện nay chủ yếu là do người dân chưa ý thức được việc bảo vệ kết cấu hạ tầng công trình giao thông và hành lang an toàn giao thông, khiến không ít hộ dân tự ý cơi nới, san lấp mặt bằng, mở đường đấu nối với quốc lộ. Thêm vào đó, cũng có không ít trường hợp chính địa phương đã cấp giấy quyền sử dụng đất, cho phép người dân xây dựng nhà ở, công trình trong phạm vi hành lang hoặc quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp, thương mại... đấu nối trực tiếp vào các quốc lộ mà không xây dựng hệ thống đường gom...


Do đó, để hạn chế tình trạng này, việc gắn với trách nhiệm của các tỉnh, nhằm đảm bảo quy hoạch của các địa phương phải phù hợp với quy hoạch chung và phải gắn với công tác bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện nay là cấp thiết. Bên cạnh đó, ngành GTVT cần chủ động xây dựng cơ chế phối hợp với chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan trong công tác bảo vệ an toàn kết cấu giao thông đường bộ; kịp thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách, các quy định của Nhà nước cho mọi người dân nắm bắt và chấp hành.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình Phạm Anh Quý: Cần sự phối hợp đồng bộ Công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ đang gặp quá nhiều khó khăn. Bên cạnh phía địa phương quản lý chưa tốt, công tác phối hợp chưa thường xuyên khiến việc xác định thời gian sở hữu các công trình vi phạm gặp nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm, thì các đơn vị quản lý đường bộ cũng chưa làm hết trách nhiệm giám sát thực hiện, dẫn đến người dân nhờn luật. Ngoài ra, công tác quản lý của chính quyền cơ sở hiện nay còn yếu và thiếu, không ít trường hợp cấp quyền sử dụng đất nằm trong đất hành lang an toàn đường bộ. Để giải quyết thực tế này, nhất thiết cần có sự phối hợp đồng bộ giữa cấp chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan.

 

Trưởng Ban dự án ATGT đường sắt (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) Đới Sỹ Hưng: Trách nhiệm của chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng Ngành đường sắt hiện đã hoàn thành công tác thống kê, rà soát các vị trí vi phạm hành lang an toàn đường sắt tại 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và đã triển khai các đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới hành khách, các hộ dân sinh sống dọc hai bên đường sắt và tại các khu vực phức tạp. Tuy nhiên đến nay, vi phạm hành lang an toàn đường sắt vẫn diễn biến phức tạp và nan giải. Ngành Đường sắt luôn xác định công tác giải tỏa và bảo vệ hành lang giao thông đường sắt là nhiệm vụ trọng tâm, bởi hành lang được bảo đảm thì mới bảo đảm an toàn chạy tàu và ATGT, từ đó mới nâng cao được hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thực tế thời gian qua cho thấy, chính quyền các địa phương đóng vai trò quyết định trong việc đền bù, giải tỏa và phối hợp với ngành Đường sắt khi triển khai Quyết định 1856/TTg.

 

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền: Đề xuất cho phép lực lượng Thanh tra chuyên ngành GTVT được phép tham gia xử lý vi phạm Trong khi các trường hợp vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt gia tăng, gây thiệt hại đến công trình giao thông đường bộ và ATGT, thì việc bồi thường thiệt hại đối với tài sản nhà nước quản lý rất khó thực hiện. Kể cả khi các trường hợp vi phạm đã có bản án thi hành, thì đối tượng vi phạm cũng bồi thường không đáng kể hoặc khả năng thu hồi rất khó. Để hạn chế tình trạng này, các lực lượng chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất với Bộ GTVTcho phép lực lượng Thanh tra chuyên ngành GTVT đường bộ được phép sử dụng công cụ hỗ trợ, nhằm trấn áp kịp thời các hành vi chống đối có thể gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN