Gia Lai: Hiểm họa đe dọa người dân mùa mưa bão

Huyện Krông Pa (Gia Lai) là địa phương có tới 40% diện tích tự nhiên là vùng trũng thấp thuộc hạ lưu dòng sông Ba. Đây là những khu vực thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ gây ra như ngập lụt, sạt lở đất. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho người dân, ngay từ đầu năm 2011, huyện Krông Pa đã triển khai xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống lụt bão; trong đó ưu tiên công tác di dời dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi ở mới an toàn hơn. Tuy nhiên cho đến thời điểm này việc lập và phê duyệt dự án vẫn kéo dài khiến công tác di dời dân vùng sạt lở chưa thể triển khai được, trong khi mùa mưa ở Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn mối hiểm họa khôn lường về tính mạng cũng như tài sản của người dân.

Xã Ia Rsai là địa bàn có diện tích bị thiệt hại cao nhất huyện Krông Pa mỗi khi có lụt bão. Theo thống kê trong vòng 20 năm qua, xã Ia Rsai có tới 4 buôn gồm buôn Kting, buôn Pan, buôn Chick và buôn Púk bị dòng sông Ba xâm thực từ 30 - 50 m. Trung bình mỗi năm bị xói lở khoảng 1,5 m. Hiện nhiều bờ vực tạo thành những vách đứng sâu từ 7 - 15m. Có nơi đã tiến sát vào vườn, cách nhà dân chỉ còn 2 - 3 m. Nhiều người dân sống trong khu vực 4 buôn này rất lo lắng vì chỉ cần xảy ra một vài đợt mưa lớn nữa là nhà cửa khó tránh khỏi nguy cơ bị cuốn theo dòng sông Ba. Anh Siu Jú, buôn Púk, xã Ia Rsai tâm sự: "Trước đây dòng sông Ba ở cách xa lắm, sau này dòng nước cứ cuốn dần, cuốn dần vào làng và bây giờ đã gần nhà lắm rồi! Bà con mình lo lắng lắm! Bà con mong được huyện và tỉnh quan tâm để sớm được di dời đến nơi ở mới cho yên tâm".

Theo dự án di dời dân vùng sạt lở giai đoạn 2011 – 2014, xã Ia Rsai phải di dời tổng cộng 319 hộ đến nơi ở mới để phòng ngừa những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Vì hiện nay, hầu hết diện tích đất vườn của các hộ này đều đã bị xâm thực đến vài chục mét và nguy cơ rủi ro rất cao. Anh Đỗ Quốc Toản, cán bộ địa chính xã Ia Rsai cho biết: "Xã đã lập danh sách các hộ cần di dời trình lên huyện từ lâu nhưng đến giờ vẫn chưa thấy triển khai. Việc chậm trễ này làm cho người dân ở đây lo lắng".

Việc dự án triển khai chậm vì phải tuân theo thiết kế do đó huyện Krông Pa đang rất bị động trong công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai. Trong khi chờ đợi dự án hoàn thành, trước mắt Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão huyện Krông Pa tập trung vận động nhân dân ở những vùng bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở nhanh chóng di chuyển về nơi ở mới. Ông Đinh Xuân Duyên, Phó Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão huyện Krông Pa cho biết: Cái khó hiện nay là do dự án triển khai chậm dẫn đến công tác di dời dân bị dậm chân tại chỗ. Hơn nữa tập quán của bà con dân tộc thiểu số là nơi ở gắn liền với sản xuất, trong khi việc tìm và chọn quỹ đất phù hợp lại gặp rất nhiều khó khăn. Công việc hết sức quan trọng hiện nay của huyện đó là vận động nhân dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao di dời đến nơi ở mới an toàn hơn trong mùa mưa năm nay.


Ngoài xã Ia Rsai, trên địa bàn huyện Krông Pa còn 3 xã nằm dọc sông Ba gồm Chư Rcăm, Ia Rmok và Phú Cần với hàng trăm hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Để phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai phát huy hiệu quả, công tác di dời dân là ưu tiên hàng đầu và cần phải được thực hiện sớm. Do đó, huyện Krông Pa đang rất cần sự phối hợp nhịp nhàng, kịp thời của các ngành liên quan để thực hiện tốt công tác này, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân trong mùa mưa bão.

Nguyễn Hoài Nam
Các địa phương quyết liệt đối phó với bão số 5
Các địa phương quyết liệt đối phó với bão số 5

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, ở Cửa Ông (Quảng Ninh) đã có gió mạnh 13 m/s (cấp 6), giật 21 m/s (cấp 9); tại Cô Tô có gió mạnh 26 m/s (cấp 10), giật 30 m/s (cấp 11); Phủ Liễn (Hải Phòng) có gió mạnh 12 m/s (cấp 6);...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN