"Gia nhập TPP & AEC- thời cơ và thách thức đối với kế toán kiểm toán Việt Nam"

ACCA cam kết đồng hành trong việc nâng cao hiểu biết, vượt qua các thử thách và nắm lấy cơ hội mà TPP và AEC mang lại cho sự phát triển của Việt Nam


Quang cảnh buổi hội thảo

Cuộc hội thảo "Gia nhập TPP  & AEC- thời cơ và thách thức đối với kế toán kiểm toán Việt Nam" do  Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) phối hợp với Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) tổ chức ngày 18/12, tại Hà Nội; đã cung cấp những thông tin tổng quát về hiệp định, phân tích tác động của TPP đối với những ngành nghề chịu ảnh hưởng chính, cũng như thời cơ và thách thức khi gia nhập hiệp định TPP và Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) đối với ngành kế toán, kiểm toán, tài chính... để từ đó giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức có sự chuẩn bị cần thiết cho "cơ hội hội nhập" của mình.

3 diễn giả chính của hội thảo là TS Lương Hoàng Thái -Vụ trưởng Vụ Đa biên  (Bộ Công thương), Phó Trưởng đoàn Đàm phán TPP;  PGS.TS Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính ) và  PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam; đã trình bày các vấn đề về "Tổng quan Hiệp định TPP- thời cơ và thách thức", "Gia nhập TPP và AEC- thời cơ, thách thức và lộ trình hội nhập của kế toán, kiểm toán Việt Nam", "Gia nhập TPP và AEC- vai trò của Hiệp hội nghề nghiệp kế toán kiểm toán".

Các diễn giả giới thiệu các thông tin về cơ hội và thách thức khi gia nhập TPP và AEC

TS Lương Hoàng Thái  đã nêu ra những cơ hội và thách thức khi gia nhập TPP của Việt Nam. Theo đó, việc gia nhập TPP sẽ giúp cho Việt Nam tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài; có cơ hội tăng công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo; tái cơ cấu và nân gcao năng lực cạnh tranh...Tuy nhiên, đồng thời với đó là những thách thức như sức ép cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi; về mặt pháp luật và thể chế, những tiêu chuẩn về quản trị minh bạch và hành xử khách quan sẽ đặt ra những thách thức lớn cho bộ máy quản lý; về phía xã hội, một số DN yếu kém sẽ có khả năng rơi vào tình trạng khó khăn và gia tăng thất nghiệp, tăng khoảng cách giàu nghèo...

Còn theo PGS.TS Đặng Thái Hùng: Về lộ trình hội nhập của ngành kế toán kiểm toán Việt Nam thực hiện theo Luật Kế toán sửa đổi mới thông qua ngày 20/11/2015 và thực hiện các cam kết AEC từ phía cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Tài chính. Cũng theo PGS.TS Đặng Thái Hùng, để duy trì tính bền vững của nền kinh tế và đáp ứng những thay đổi không ngừng của môi trường kinh doanh, nghề tài chính kế toán ngày càng có vai trò quan trọng, đòi hỏi nguồn nhân lực là các chuyên gia tài chính kế toán chuyên nghiệp.

Về phần mình,  PGS.TS Đặng Văn Thanh khẳng định: Theo cam kết quốc tế, Việt Nam sẽ mở cửa lĩnh vực kế toán kiểm toán và tài chính, với mục tiêu mở cửa rộng rãi vào năm 2020. Với thực tế AEC là thị trường dịch vụ tự do, cho phép tự do di chuyển thể nhân, lao động chuyên nghiệp và thừa nhận những chứng chỉ hành nghề... đây sẽ là một thách thức lớn cho Việt Nam; đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực để có thể đáp ứng và cạnh tranh được.

"Để các Hiệp định, thỏa thuận quốc tế và Luật Kế toán sửa đổi được thực hiện thành công, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN đòi hỏi công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và hướng dẫn thực hiện đồng bộ của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị liên quan, cũng như sự chung sức của các Hiệp hội ngành nghề. ACCA cam kết đồng hành cùng với các hội nghề nghiệp, các cơ quan có thẩm quyền, các chuyên gia kinh tế, kiểm toán tài chính và các đối tác khác ở Việt Nam trong việc nâng cao hiểu biết, vượt qua các thử thách và nắm lấy cơ hội mà TPP và AEC mang lại cho sự phát triển của Việt Nam", bà Nguyễn Mai Chi, Trưởng đại diện Văn phòng ACCA Hà Nội khẳng định tại hội thảo.

PV
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN