Bắt đầu từ 1/3, nhiều hãng sữa nội và ngoại đã công bố tăng giá bán sản phẩm khoảng 10%. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến người tiêu dùng.
Sau Tết, nhiều loại sữa tăng giá 20%
Từ ngày 27/2, Công ty sữa Vinamilk đã thông báo bắt đầu tăng giá bán từ 5 - 7% cho hầu hết các sản phẩm của mình, trừ các sản phẩm nằm trong chương trình bình ổn giá. Công ty Frieslan Campina Việt Nam cũng đã thông báo từ ngày 1/3 sẽ điều chỉnh giá của một số sản phẩm Friso và Dutch Lady, với mức tăng từ 8 - 9%. Tương tự, các loại sữa bột của hãng Abbott cũng tăng từ 5 - 9%; sữa Nutifood tăng thêm 10% kể từ ngày 18/3... Như vậy, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, các công ty sữa đã có 2 lần điều chỉnh tăng giá với mức tăng tổng cộng khoảng 20%. Lí giải nguyên nhân về việc điều chỉnh tăng giá lần này, đại diện các công ty sữa đều cho rằng do chi phí đầu vào như nguyên liệu, nhân công... tăng cao vì vậy họ phải tăng giá bán sữa thành phẩm.
Giá sữa tăng khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn. |
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên, việc tăng giá sữa liên tục trong thời gian qua đã khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng, nhất là những gia đình đang có con nhỏ. Chị Nguyễn Thị Thanh nhà ở quận Bình Thạnh, cho biết: “Với thu nhập chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng mà tiền sữa cho con một tháng đã mất hơn 2 triệu đồng, bởi vậy trước khi có thông báo tăng giá, tôi đã phải mua thêm vài hộp sữa dự trữ để cho con dùng dần. Nếu giá sữa vẫn còn tiếp tục tăng nữa có khi tôi sẽ phải giảm bớt liều lượng sữa hàng ngày của con mới mong có thể tiết kiệm chi tiêu cho cuộc sống của gia đình”.
Tăng cường kiểm tra giá
Mặc dù, các nhà sản xuất lý giải giá các loại sữa thành phẩm tăng là do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên theo thông tin từ Cục Quản lý giá, trong nhiều tháng qua, giá sữa nguyên liệu nhập khẩu không tăng mà vẫn ổn định. Cụ thể, giá sữa nguyên liệu loại nguyên kem nhập khẩu vẫn giữ mức khoảng 90.000 đồng/kg, sữa gầy hơn 80.000 đồng/kg... Giá thu mua sữa tươi nguyên liệu trên thị trường cũng vẫn “dậm chân tại chỗ”. Ông Nguyễn Văn Tủi, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh cho biết: “Từ đầu năm đến nay, giá sữa thu mua của nông dân vẫn chưa được điều chỉnh mà vẫn giữ ở mức 11.000 - 12.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, Công ty sữa Vinamilk đang thu mua sữa của hơn 6.000 hộ nông dân, Công ty sữa Cô gái Hà Lan thu mua khoảng 2.500 hộ nông dân. Hiện sữa thành phẩm đã tăng giá bán, nhưng sắp tới nếu các công ty thu mua sữa không tăng giá thu mua sẽ khiến người nông dân gặp khó khăn, bởi chi phí đầu vào như giá thức ăn chăn nuôi, công lao động, điện nước... tăng thêm từ 5 -7%”.
Hiện việc quản lí giá sữa được thực hiện theo Thông tư 122/2010 của Bộ Tài chính và theo quy định trong Luật Giá. Theo đó, các mặt hàng sữa thực hiện đăng ký giá là sữa pha chế theo công thức dạng bột cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ngoài ra, mỗi lần điều chỉnh giá đối mặt hàng này, doanh nghiệp phải đăng ký lại với các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, để tránh việc phải đăng kí lại giá với cơ quan chức năng, nhiều sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được doanh nghiệp đổi tên trên bao bì thành "sản phẩm dinh dưỡng". Điều này đang gây ra khó khăn cho các nhà quản lý. “Để doanh nghiệp đảm bảo việc thực hiện niêm yết đúng giá với những gì đã đăng kí, sắp tới sở sẽ tăng cường thành lập các tổ liên ngành đi kiểm tra các đơn vị sản xuất, các điểm phân phối sữa sỉ và lẻ trên địa bàn. Nếu đơn vị nào vi phạm sẽ xử phạt nghiêm khắc, với những mức xử phạt từ 5 - 40 triệu đồng/lần và kèm theo nhiều hình phạt bổ sung khác” - ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng ban Vật giá Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Bài và ảnh: H. Tuyết- Đ. Phương
Giá sữa tăng khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.