Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội nhằm đánh giá toàn diện tình hình, tổng kết các mô hình tốt, có khả năng nhân rộng trên phạm vi cả nước. “An cư, lạc nghiệp” không chỉ là một nhu cầu thiết yếu hàng đầu của mỗi người, mỗi gia đình, mà còn là một trong những yếu tố góp phần phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân nói chung, công nhân nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước ta trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.
Cả nước hiện có khoảng 2,8 triệu công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở, nhưng mới bố trí được 8-10% trong số này, khoảng 1,5 triệu người còn lại đang phải đi thuê nhà dân để ở với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống và làm giảm chất lượng lao động.
Một khu nhà ở công nhân của Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Đài Loan - Trung Quốc) tại KCN Quế Võ. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Trong nhiều năm qua, vấn đề lo nơi ăn chốn ở cho công nhân tại các khu công nghiệp đã được nhiều địa phương chú trọng như Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Chính phủ đã có gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người có thu nhập thấp mua nhà ở xã hội. Bằng các nguồn lực từ Trung ương và các địa phương, nhiều khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội đã được xây dựng và phục vụ công nhân và người có thu nhập thấp theo hình thức cho thuê hoặc nhà ở xã hội. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 thì đến thời điểm này, mới đạt khoảng 28% kế hoạch (71.150/250.000 căn hộ). Thực tế đó đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa để thực hiện thắng lợi chiến lược nhà ở quốc gia.
Khi nói tới nhà ở xã hội nhiều người thường nghĩ đến xin nguồn vốn ngân sách để cấp cho các dự án với lập luận rằng việc xây nhà ở xã hội cần đầu tư lớn, lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn lâu nên các doanh nghiệp không mặn mà. Các doanh nghiệp xây nhà ở thương mại cũng theo đà đó, thường né các dự án nhà ở xã hội mà chú trọng vào các dự án nhà ở thương mại, thường cho lợi nhuận cao. Do đó, dẫn tới tình trạng nhiều căn hộ chung cư với giá cao không bán được, trong khi hàng triệu người có nhu cầu thì không có chỗ ở. Đó là một nghịch lý lớn trong đời sống xã hội đã tồn tại trong hàng chục năm qua, không ít nơi nghịch lý này đã trở thành tâm lý bức xúc của người dân. Bởi vì suy cho cùng, nhu cầu nhà ở của công nhân tại các khu công nghiệp không chỉ là nhu cầu cơ bản thiết thân của mỗi người mà còn là nơi tạo dựng nên mỗi “tế bào hạnh phúc” của xã hội. Một xã hội phồn vinh, công bằng trước hết thể hiện ở nơi ăn, chốn ở của mỗi con người, mỗi gia đình. Đối với người công nhân, việc có một căn hộ để ở còn thể hiện quan điểm giai cấp, tính ưu việt của chế độ ta, thực hiện quyền có nhà ở của công dân như Hiến pháp 2013 qui định.
Có thể nói, trong hàng chục năm qua, với cơ chế xin – cho, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chân “xin” được những khu đất vàng tại các đô thị để xây những khu chung cư, khu đô thị cao cấp bán với giá từ 30 – 60 triệu đồng/1m2. Cũng có nhiều khu đô thị ra đời trên đất nông nghiệp với những căn hộ chung cư giá vài tỷ đồng, nhà đầu tư thu được lãi lớn nhưng đã “quên” phân khúc nhà ở bình dân cho người có thu nhập thấp, người nghèo, gia đình chính sách. Trên thực tế đã có doanh nghiệp xây nhà bán với giá 10 triệu đồng/1m2, điều này chứng tỏ rằng, giá căn hộ chung cư có thể còn kéo giảm xuống thấp hơn nữa phù hợp với điều kiện của công nhân và người nghèo khi Nhà nước có chính sách đất đai hợp lý, các nhà đầu tư nhận thấy trách nhiệm xã hội của họ mà đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội không phải duy nhất với mục đích thu lời khủng. Trước thực tế đó, Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân; trân trọng và khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn phát triển nhà ở xã hội. Rằng, ngoài vốn từ ngân sách, chủ đầu tư tại các khu công nghiệp cũng phải lo việc phát triển nhà ở cho công nhân; trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp phải dành đất đai cho phát triển nhà ở. Đặc biệt là trong một khu đô thị phải gồm cả nhà ở cho thuê, nhà thương mại, dành một tỷ lệ nhà cần thiết, khoảng 50% số lượng, cho công nhân mua theo dạng nhà ở xã hội.
Đây chính là hướng đi cho một giải pháp mang tính toàn diện và căn bản đối với vấn đề nhà ở cho hàng triệu công nhân, những người đang trực tiếp làm ra của cải vật chất nhưng đang sống trong những điều kiện rất khó khăn. Đó cũng là “chìa khóa” để giải quyết hài hòa lợi ích giữa công nhân, người nghèo, gia đình chính sách với doanh nghiệp, góp phần bảo đảm công bằng xã hội.