Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ngoài 8 điểm đen ùn tắc giao thông đã được "xóa" trong năm 2020, toàn thành phố vẫn còn tồn tại 26 điểm thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm.
Dự báo, lưu lượng phương tiện sẽ tăng đột biến vào những ngày giáp Tết, trong khi các công trình giao thông trọng điểm trên nhiều tuyến đường vẫn đang xây dựng, làm gia tăng điểm ùn tắc mới trên địa bàn.
Theo phản ánh của lực lượng chức năng, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô gia tăng trong những ngày gần đây. Nếu như trước đây tình trạng ùn tắc chủ yếu xảy ra vào những giờ cao điểm và tập trung ở khu vực các ngã ba, ngã tư thì nay xảy ra cả giờ thấp điểm tại nhiều tuyến phố như: Vành đai 3, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân, cầu Thanh Trì, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương - Tố Hữu, Cầu Giấy - Xuân Thủy, Lê Duẩn - Giải Phóng, Kim Mã - Nguyễn Thái Học, Đại Cồ Việt, Nguyễn Văn Cừ…
Không chỉ các trục hướng tâm mà ngay cả tuyến đường trong nội đô như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ… bình thường rất thoáng nhưng do lượng phương tiện gia tăng những ngày qua nên cũng xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm sáng và chiều.
Việc rào chắn thi công tại các công trình giao thông trọng điểm cũng khiến lòng đường bị thu hẹp làm gia tăng tình trạng ùn tắc. Điển hình như tuyến đường Lê Văn Lương đoạn cạnh nút giao Khuất Duy Tiến, Đại La - Minh Khai đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Khu đô thị Times City...
Năm 2020, liên ngành giao thông vận tải, công an đã xử lý được 8/34 điểm ùn tắc nhưng vẫn còn 26 điểm chờ được xử lý. Các điểm đã được khắc phục gồm: Khu vực Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng; Trần Quốc Hoàn - Phạm Văn Đồng; Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; ngã ba Ngọc Hồi - Phan Trọng Tuệ; Minh Khai - Ngõ gốc Đề; Trường Chinh (Tôn Thất Tùng - Ngã Tư Sở); Điểm quay đầu 158 Phạm Văn Đồng; Hồ Tùng Mậu - Lê Hữu Thọ.
Cùng đó, 23/30 “điểm đen” tai nạn giao thông cũng được xử lý dứt điểm bằng biện pháp bổ sung gờ giảm tốc, biển báo, bổ sung vạch sơn, tăng cường hệ thống chiếu sáng, lắp đặt đèn tín hiệu giao thông...
Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu mỗi năm xóa 8-10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế các điểm phát sinh mới. Hiện ngành chức năng đang đề xuất lập dự án để xử lý 2 "điểm đen" trong năm 2021 gồm: Hầm đường bộ Kim Liên trên địa bàn quận Đống Đa và Hai Bà Trưng; đoạn từ Km201 đến Km201+400 quốc lộ 1A huyện Thường Tín.
Gần Tết, nhu cầu đi lại giao dịch, kinh doanh của người dân càng tăng cao khiến giao thông trên nhiều tuyến đường nội đô và tuyến vành đai cửa ngõ Thủ đô càng đông đúc.
Từ giữa năm 2020, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có phương án bố trí lực lượng thực hiện phân luồng chống ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao trên địa bàn. Tại các điểm nóng mới phát sinh như khu vực nút giao thông Ngã Tư Sở đã được liên ngành giao thông vận tải và công an tìm phương án hạ nhiệt.
Ông Trần Đăng Hải - Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, liên ngành đã thống nhất phương án cụ thể giải quyết 10 điểm ùn tắc mới phát sinh bằng biện pháp tăng cường điều tiết phân luồng giờ cao điểm, xén vỉa hè đường; cải tạo, nâng cấp hạ tầng nút giao...; đồng thời, kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, trong năm 2020, nhiều công trình hạ tầng giao thông đã được đưa vào khai thác, sử dụng góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn trên địa bàn Thủ đô. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông, diện tích đất xây dựng đô thị đạt hơn 10% (năm 2019 là 9,75%).
Sở đã hoàn thành 117 công trình sửa chữa cải tạo chống xuống cấp, công trình thuộc chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông và xử lý khắc phục sự cố đảm bảo an toàn giao thông; sử dụng nguồn kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương trên địa bàn thành phố; tổ chức trực đảm bảo an toàn giao thông tại 17 vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt...
Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, Sở đã xử lý 8/34 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; xử lý xong 25 điểm đen giao thông. Năm 2021, Sở tiếp tục rà soát, có phương án xử lý 10/26 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc giao thông mới.
Để hạ nhiệt ùn tắc giao thông dịp cuối năm, ông Cao Văn Hiệp - Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, sau khi thành phố và Sở Giao thông Vận tải có văn bản yêu cầu các lực lượng làm nhiệm vụ trên đường tổ chức phối hợp, ra quân thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông dịp cuối năm, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Cảnh sát Giao thông để tuần tra, kiểm soát dịp cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021; trong đó, tập trung xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đợt cao điểm cuối năm, liên ngành bố trí lực lượng lập 79 "chốt trực’’trên toàn địa bàn.
Tại điểm nóng ùn tắc trên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đoạn qua công trường hầm chui Lê Văn Lương, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đã thống nhất với Sở Giao thông Vận tải và Phòng Cảnh sát Giao thông tăng cường bố trí lực lượng hướng dẫn, điều tiết giao thông tại khu vực thi công dự án. Cùng đó, cho phương tiện hỗn hợp đi trên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đoạn qua dự án được phép đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh - BRT trong 6 tháng thi công dự án.
Thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì, thực hiện quyết liệt 6 nhóm giải pháp; trong đó, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài.
Cùng đó là tăng cường duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hợp lý; phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, tập trung triển khai và sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông ở Thủ đô.