Càng đến gần thời điểm áp dụng, các cơ sở y tế càng đứng ngồi không yên khi khả năng sụt giảm nguồn thu là rất lớn, còn người dân lại có mối lo khác, đó là chất lượng khám chữa bệnh có được đảm bảo?
Bệnh viện gặp khó
Mặc dù là bệnh viện có số lượt khám chữa bệnh thuộc tốp đầu các bệnh viện tuyến quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh nhưng theo Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, chắc chắn bệnh viện sẽ gặp nhiều khó khăn khi Thông tư 15 đi vào thực tế.
Bác sỹ Trần Văn Khanh cho biết, với việc điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế theo xu hướng giảm của Thông tư 15, dự kiến nguồn thu của bệnh viện sẽ giảm khoảng 10 - 12 tỷ đồng mỗi năm. Với tình hình này chỉ đến cuối năm nay và đầu năm sau, Bệnh viện Quận 2 không có đủ nguồn tiền để bù lỗ. Không có kinh phí, việc duy trì vận hành, bảo trì thiết bị máy móc và trả lương cho cán bộ nhân viên đã khó chứ chưa nói đến việc mở rộng, đầu tư phát triển thêm các dịch vụ kỹ thuật cao.
Bệnh nhân khám dịch vụ tại bệnh viện Quận 2, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
Hiện Bệnh viện Quận 2 và các bệnh viện trên địa bàn đang kiến nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố có chính sách hỗ trợ trước mắt. Về lâu dài, bác sỹ Trần Văn Khanh cho rằng Bộ Y tế cần cơ cấu giá viện phí theo hướng tính đúng tính đủ để các bệnh viện có thể đảm bảo hoạt động. Chỉ khi bệnh viện đảm bảo hoạt động và có lãi thì mới có thể đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người, kỹ thuật cao để phục vụ người dân tốt hơn.
Tương tự, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn khi Thông tư 15 được chính thức áp dụng. Mặc dù đến thời điểm này, công tác chuẩn bị để áp dụng Thông tư 15 đã được triển khai đến từng bộ phận nhưng theo Bác sỹ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu đau đầu nhất vẫn là sự sụt giảm doanh thu, nhất là trong bối cảnh bệnh viện đang trong lộ trình phải tự chủ tài chính. Bên cạnh đó, thời gian qua, bệnh viện đã đầu tư phát triển các kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi chi phí rất cao, phẫu thuật viên được đào tạo lâu dài, trang bị máy móc hiện đại. Thế nhưng theo Thông tư 15, giá của một số phẫu thuật nội soi sẽ thấp hơn so với phẫu thuật mổ mở. Do đó, bệnh viện phải bù lỗ khá nhiều và sẽ khó tiếp tục triển khai các kỹ thuật cao khác.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhận định, với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 15 chắc chắn các cơ sở y tế sẽ bị giảm sút nguồn thu. Nhưng đây cũng chính là cơ hội để các bệnh viện cải tiến quy trình khám chữa bệnh, cái cách thủ tục hành chính, tiết chế các hoạt động một cách hợp lý, sử dụng nhân lực, trang thiết bị đúng lúc đúng chỗ, ứng dụng công nghệ thông tin để kéo giảm chi phí xuống ở mức thấp nhất.
Với vai trò quản lý, khi đưa ra các quy định, chính sách, Bộ Y tế luôn căn cứ vào 3 yếu tố, đó là sự cân đối quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, khả năng chi trả của người dân và đảm bảo hoạt động của các cơ sở y tế. Tuy nhiên, nếu các cơ sở y tế không đủ khả năng hoạt động do ảnh hưởng của các chính sách, ngân sách Nhà nước vẫn có sự hỗ trợ, không bắt các bệnh viện tự xoay xở.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam bày tỏ thông cảm và thấu hiểu cho những khó khăn, vướng mắc mà các cơ sở y tế phải đối mặt khi Thông tư 15 có hiệu lực. Song, ông Phạm Lương Sơn cho rằng, nếu không cân đối được quỹ Bảo hiểm y tế sẽ càng có nhiều khó khăn hơn phát sinh cho các cơ sở y tế. Do đó, các cơ sở y tế cần có sự cân đối, điều tiết để phối hợp với Bảo hiểm xã hội thực hiện Thông tư mang tính đột phá này.
Đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người bệnh
Trước thông tin giảm giá một số dịch vụ y tế, chị Lê Thị Út, ngụ tỉnh Tiền Giang đang chăm mẹ nằm viện chờ phẫu thuật cắt gan tại Bệnh viện Trưng Vương, TP Hồ Chí Minh cho hay, mẹ con chị rất vui mừng bởi dù đã được Bảo hiểm y tế thanh toán một phần nhưng với những người dân nghèo, viện phí giảm được một hai đồng cũng tốt.
Ngược lại, bà Phan Thị Tình, một cán bộ hưu trí ngụ tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh lo lắng chất lượng khám chữa bệnh sẽ bị ảnh hưởng khi giá dịch vụ y tế giảm. Bà cho rằng khi mỗi bác sỹ khám nhiều bệnh nhân hơn trong một ngày có nghĩa là thời gian bà được bác sỹ khám sẽ ngắn hơn và thời gian chờ đợi để được khám cũng lâu hơn.
Còn ông Nguyễn Tấn Phát, đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh lại lo sợ sẽ xảy ra tình trạng các bệnh viện tìm cách “tận thu” người bệnh để bù vào phần bị thâm hụt do giá dịch vụ y tế giảm bởi tâm lý của người dân khi đi khám chữa bệnh là bác sỹ bảo sao, bệnh nhân nghe thế.
Không có chuyện giá khám bệnh và các dịch vụ khác giảm mà chất lượng khám chữa bệnh giảm sút là khẳng định của Bác sỹ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh.
Hiện tại, mỗi ngày Bệnh viện Ung bướu nhận khoảng 2.500 lượt bệnh nhân đến khám, 1.200 bệnh nhân đang nằm điều trị nội trú và quản lý khoảng 9.000 bệnh nhân ngoại trú. Do số lượng bệnh nhân luôn tăng lên mỗi ngày, giải pháp mà bệnh viện đưa ra là chủ động tăng số bàn khám từ 30 lên 34 bàn và tổ chức nhận khám bệnh từ 5 giờ hàng ngày để đáp ứng nhu cầu khám bệnh của người dân.
“Đối với những bác sỹ có kinh nghiệm, khi khám những bệnh lý đơn giản như bướu tuyến giáp, bướu tuyến vú có thể khám từ 80 - 100 lượt/ngày. Tuy nhiên, khi gặp bệnh phức tạp cũng có thể chỉ khám từ 20 - 30 lượt/ngày. Chúng tôi sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh của bệnh nhân để khám mau hay khám lâu. Do vậy, lo sợ bác sỹ sẽ khám bệnh qua loa khi giảm giá dịch vụ là chưa hợp lý”, Bác sỹ Diệp Bảo Tuấn cho biết.
Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 chia sẻ, với trên 2.000 lượt khám bệnh mỗi ngày đồng nghĩa với sự tin tưởng của người dân đối với Bệnh viện là vô cùng lớn. Do đó, dù trước mắt sẽ có nhiều khó khăn nhưng Bệnh viện Quận 2 vẫn phải thực hiện đúng các cam kết đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Để bù vào phần nguồn thu bị sụt giảm, Bệnh viện đang lên kế hoạch cắt giảm những chi phí không cần thiết, tăng số bàn khám lên...Trong hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng phải đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh vì thương hiệu của Bệnh viện, bác sỹ Trần Văn Khanh khẳng định.
Trước tình hình này, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn đã yêu cầu các cơ sở y tế phải có kế hoạch căn cơ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mình, tiết kiệm chi phí, sử dụng nhân lực hợp lý, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng hiệu quả hoạt động thường xuyên của đơn vị nhưng vẫn phải luôn đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người bệnh tham gia Bảo hiểm y tế.
“Các bệnh viện cần cân đối chi phí của đơn vị mình, thậm chí là cắt giảm những chi phí không cần thiết để đảm bảo hoạt động, nhưng tuyệt đối không được bớt quyền lợi của người bệnh”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn yêu cầu.