Người bệnh có bảo hiểm y tế sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Ảnh: TTXVN |
Hàng tháng đều phải đến điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương, ông Ma Văn Ánh (ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) đang điều trị tại đây cho biết: Tôi mắc bệnh tan máu bẩm sinh nên phải liên tục điều trị. Cứ khoảng 20- 30 ngày lại phải có một đợt nằm viện điều trị hơn 10 ngày. Vì tôi có bảo hiểm y tế nên hiện được chi trả hoàn toàn chi phí truyền máu, thanh thải sắt... hàng tháng, chỉ mất tiền đi lại chữa bệnh; không có bảo hiểm thì chi phí cho việc nằm viện không thể kham nổi. Nếu sắp tới tăng giá viện phí thì tôi nghĩ cũng không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh có bảo hiểm y tế”.
Cũng phải hàng tháng đi khám bệnh tại bệnh viện Nội tiết Trung ương, bà Nguyễn Thị Tỵ (61 tuổi, ở Ninh Bình) cũng chủ yếu trông chờ vào bảo hiểm y tế, nếu không có bảo hiểm y tế chi phí khám bệnh, xét nghiệm, tiền thuốc hàng tháng của bà hiện nay lên tới tiền triệu, bình quân mỗi tháng bà chỉ phải đồng chi trả hơn 100.000 đồng tiền khám bệnh.
“Số tiền bệnh nhân có bảo hiểm y tế phải đồng chi trả chỉ là một phần nhỏ so với chi phí khám chữa bệnh nên nếu giá các dịch vụ khám chữa bệnh có tăng nhẹ thì sô tiền chúng tôi phải bỏ ra cũng không phải là nhiều. Nếu tăng giá dịch vụ mà có nhiều dịch vụ tốt hơn, thì cũng là có lợi cho người bệnh”, bà Tỵ cho biết.
Theo kế hoạch của Bộ Y tế, Bộ đang hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định mức giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất giữa các hạng bệnh viện trong toàn quốc. Theo đó, sẽ thực hiện khảo sát số lượng dịch vụ, cơ cấu giá một số dịch vụ có mức giá chưa phù hợp để điều chỉnh giá cho phù hợp, mức viện phí sẽ được điều chỉnh tăng so với trước đó. Đây là một bước trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế.
Theo đó, từ ngày 1/7 tới sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ y tế. Trong năm 2018 xây dựng, ban hành mức giá khám chữa bệnh, sẽ bao gồm cả chi phí trực tiếp, tiền lương của cán bộ y tế theo mức lương cơ sở mới là 1.390.000 đồng và chi phí quản lý.
Cụ thể, kế hoạch sẽ tăng giá giường điều trị đối với các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I; giảm ở BV hạng II, III, IV. Ở bệnh viện hạng đặc biệt, giá giường bệnh ở dịch vụ điều trị hồi sức tích cực (ICU) hay ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc… được điều chỉnh từ 677.100 đồng/ngày lên 751.000 đồng/ngày; giường bệnh ở hồi sức cấp cứu, chống độc từ 362.800 đồng lên 425.100 đồng/ngày… Ở các bệnh viện hạng I, giá giường bệnh tương tự cũng điều chỉnh từ 632.200 đồng lên 710.000 đồng/ngày, từ 335.900 đồng lên 404.000 đồng/ngày và 286.400 lên 317.000 đồng/ngày. Bình quân giá các dịch vụ sẽ tăng từ 5-8%.
Như vậy, trước lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, người dân không có bảo hiểm y tế sẽ phải chịu mức chi phí khá lớn, trong khi đó người có bảo hiểm y tế sẽ là người ít chịu ảnh hưởng nhất; thậm chí là đối tượng có lợi nhất vì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán cho bệnh viện với mức giá cao hơn nên quyền lợi của người dân cũng được tăng lên.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã mang lại những hiệu quả tích cực như: Người bệnh được hưởng lợi vì bệnh viện có kinh phí để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy chuẩn của Bộ Y tế, chất lượng sẽ tăng lên. Nhờ tăng giá dịch vụ y tế, các bệnh viện sẽ có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị xét nghiệm… chất lượng cao giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đặc biệt, đối với người có thẻ bảo hiểm y tế do được chi trả phí cao hơn sẽ giảm phiền hà cho người bệnh vì không phải tự mua một số thuốc, vật tư do trước đây giá thấp, người bệnh phải tự mua hoặc phải trả thêm do bảo hiểm y tế không thanh toán.