Những vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo kiểu “tiện đâu, vứt đấy” sẽ không biết đến bao giờ có thể tiêu hủy được mà kèm theo đó là một lượng thuốc sót lại bám trên bao bì có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, nguồn nước, môi trường. Do đó, những bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng nếu không được thu gom và tiêu hủy đúng quy định sẽ trở thành các loại rác thải rất nguy hại.
Nguyên nhân của những tồn tại là do các địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí để xây dựng bể chứa thu gom; chưa có mô hình, quản lý, thu gom, địa điểm tập kết, vận chuyển và công nghệ xử lý phù hợp. Trong khi nhận thức của một bộ phận người dân còn nhiều hạn chế, dẫn đến nhiều bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng vẫn chưa được thu gom, còn vứt trên đồng ruộng, vườn cây, nương rẫy.
Trước thực tế đó, từ năm 2013, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết hợp cùng Tập đoàn Lộc Trời thực hiện tại các xã xây dựng nông thôn mới trên 22 tỉnh, thành phía Nam Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Chương trình đã đạt được nhiều thành công, tạo hiệu ứng tốt trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn nông dân từ khâu sử dụng nông dược an toàn, hiệu quả cho đến khâu thu gom, tiêu hủy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Chương trình đã hình thành 167 mô hình tiêu biểu trên các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế và xuất khẩu như lúa, măng tây, thanh long, bưởi da xanh, xoài, vú sữa, nhãn… Các mô hình đã xây dựng được 756 hố chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật với sự tham gia trực tiếp của hơn 7.700 hộ nông dân.
Theo ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, các địa phương đã tiến hành xây dựng hố chứa, thu gom bao bì an toàn và mang đi tiêu hủy định kỳ. Trong 7 năm triển khai, chương trình đã vận động nông dân thu gom hơn 60 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng ngoài đồng ruộng, trên các ruộng rau, vườn cây ăn quả. Lượng rác thải bảo vệ thực vật này được đem tiêu hủy an toàn tại Nhà máy Xi măng Insee Việt Nam.
Với sự lớn mạnh về qui mô cũng như vai trò to lớn trong việc bảo vệ hệ sinh thái, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, đến nay chương trình đã có sự chung tay thực hiện của trên 50 doanh nghiệp kinh doanh nông dược và Công ty Xi măng Insee Việt Nam.
Không có chương trình tổng thể quy mô lớn như các tỉnh phía Nam, nhưng nhiều tỉnh thành phía Bắc cũng đã chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tập kết ở nơi xa nguồn nước, xa nơi ở, bãi chăn thả gia súc... Các cấp hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng “đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng liều lượng và đúng thời điểm” và trách nhiệm trong sử dụng.
Điển hình tại tỉnh Sơn La, nơi có trên 300.000 ha đất nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp lớn là điều kiện thuận lợi để đầu tư sản xuất các vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn. Vì vậy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trách nhiệm, an toàn và hiệu quả có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng cây ăn quả cũng như tính chuyện nghiệp về sản xuất hàng hóa của tỉnh.
Hỗ trợ cho các vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị xuất khẩu nâng cao năng lực trong quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hướng đến xây dựng vùng sản xuất an toàn, tỉnh Sơn La đã phối hợp với Tổ chức Croplife Việt Nam triển khai Chương trình Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, trách nhiệm, hiệu quả tại huyện Yên Châu.
Tổ chức Croplife Việt Nam đã hỗ trợ địa phương xây dựng mô hình thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng tại vùng trồng nhãn, xoài xuất khẩu. Các lớp tập huấn đã cung cấp cho cán bộ chính quyền địa phương nắm rõ các quy định hiện hành trong quản lý về bảo vệ thực vật, qua đó nâng cao năng lực quản lý, phương thức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện đúng nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc, có trách nhiệm thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật.
Qua tuyên truyền, tập huấn đã giúp nông dân từng bước hạn chế việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng sai về đối tượng, nồng độ, liều lượng. Nông dân có kiến thức cơ bản về thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng đúng, an toàn và có trách nhiệm hơn.
Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, các mô hình cần tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, hoạt động của tổ dịch vụ bảo vệ thực vật; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn thu gom bao gói và hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Nhiều địa phương đã xây dựng mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật cần tiếp tục nhân rộng, phát động ra quân thu gom trên phạm vi toàn tỉnh. Để phát huy hiệu quả các hoạt động, các đơn vị chức năng cũng cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các huyện, xã đã xây dựng bể thu gom, lưu chứa về quản lý; thu gom và vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.