TÌM GIẢI PHÁP ĐỂ "SỐNG CHUNG"
Sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh, thành lớn trong cả nước cũng đang vào cuộc, quyết liệt giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Làm thế nào để “kinh tế vỉa hè” vẫn có chỗ tồn tại một cách trật tự, không ảnh hưởng đến nếp sống văn minh của thành phố và tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng vẫn là một bài toán khó.
Lực lượng chức năng tiến hành tháo dỡ nhiều trường hợp nhà dân dựng mái che, biển hiệu chiếm vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, quận 1). Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN |
Thắt chặt kỷ cương Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, thành viên nhóm Tư vấn đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP HCM cho rằng, vỉa hè là dành cho người đi bộ, lâu nay người ta lấn chiếm như vậy là vi phạm pháp luật, giờ lấy lại là thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, có bền vững hay không, việc giải quyết được gốc rễ của vấn đề mới là quan trọng.
Theo ông Điền, nguyên tắc căn cơ khi muốn dẹp tình trạng buôn bán trên vỉa hè là phải tạo ra một sự lựa chọn khác cho người dân mưu sinh. Hiện nay, thành phố đang quy hoạch một số tuyến đường sẽ mở rộng, hệ thống giao thông công cộng cũng phát triển theo những tuyến đường này.
Do đó, tuyến đường nào mở rộng đến đâu thì nên thắt chặt việc quản lý vỉa hè ở chỗ đó, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Tức là phải làm theo lộ trình, trình tự chứ không làm ồ ạt, đại trà như thời gian qua gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Đó là bước đầu tiên, bước thứ hai là quy hoạch một khu vực nào, tuyến đường nào để người dân vào đó buôn bán, “buôn có bạn, bán có phường”. Làm được điều này sẽ tạo thành một đặc trưng văn hóa và có giá trị về du lịch. Mỗi quận chia về các phường, phường chia về các tổ thì không khó để quản lý.
Theo Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Luật sư Riêng (thành viên Đoàn Luật sư TP HCM), để chủ trương tạo được sự lan tỏa tốt trong cộng đồng, cần làm tốt khâu vận động tuyên truyền, đặc biệt là việc tuyên truyền pháp luật trong lĩnh vực này, để nguời dân đang sai phạm thấy rõ đây là chính sách chung, hướng đến sự phát triển theo xu hướng đô thị hóa.
Từ đó giúp họ nhận thức tự khắc phục, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, nhằm không bị cưỡng chế. Nếu làm tốt được việc này sẽ làm cho chính quyền giảm tải được chi phí quá lớn cho việc tiến hành cưỡng chế, nguời vi phạm sẽ giảm được thiệt hại về vật chất khi bị cưỡng chế.
Ông Đào Duy Thanh, chủ một quán ăn trên đường Trương Định, quận 3 cho biết, ông thuê mặt bằng mở quán ở đây đã nhiều năm nên lượng khách khá đông. Quán tiếp giáp với mặt đường nhưng không có sân rộng phía trước nên vẫn tận dụng một phần vỉa hè để dựng xe máy cho khách.
Những hôm khách đông, phải mượn chỗ nhà hàng xóm để gửi xe khách. Tuy việc kinh doanh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn nhưng dự định sẽ thuê một chỗ dành riêng giữ xe cho khách. Theo ông Thanh, một số lề đường có vỉa hè rộng nên kẻ vạch sơn tạo điều kiện cho người dân mua bán và vẫn có chỗ cho người đi bộ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban thường trực Ban An toàn giao thông TP HCM, địa phương có thể rà soát những tuyến đường có vỉa hè rộng trên 3m. Nếu được, có thể kẻ vạch cho phép người dân sử dụng một phần để xe cho khách đến giao dịch. Tất nhiên phải ưu tiên mọi sự thuận lợi cho người đi bộ.
Vì vậy, Ban An toàn giao thông kiến nghị thành phố cho thời gian 1-2 tháng để các quận huyện tuyên truyền nhắc nhở, làm cam kết không lấn chiếm vỉa hè đối với những hộ thường xuyên lấn chiếm. Cũng là để cho các hộ kinh doanh có thời gian sắp xếp lại việc buôn bán. Sau thời gian này các địa phương phải tăng cường xử lý, xử phạt và cương quyết xử lý nghiêm tất cả các trường hợp cố tình lấn chiếm.
Giải pháp để “sống chung” Xe máy được sắp xếp trật tự ngăn nắp hơn tại tuyến đường Tôn Đức Thắng, Quận 1. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Theo bà Tô Thị Bích Châu, chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP HCM, nhìn chung đa số người dân rất đồng tình với chủ trương và cách làm của các quận, huyện.
Nhưng cần lưu ý, vỉa hè là nơi mưu sinh, nguồn sống của một bộ phận lớn người dân thành phố, nhiều năm qua sinh sống trên vỉa hè và ít nhiều có đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Chính vì vậy khi giải quyết vấn đề này phải có lộ trình và biện pháp chuyển đổi, tạo công ăn việc làm, nơi buôn bán ổn định, đúng quy định cho người dân.