Đặc biệt trong tổng số trẻ em tử vong do đuối nước có 159 em dưới 6 tuổi, chiếm trên 73%.
Dạy bơi cho các em học sinh tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN |
Ông Huỳnh Duy Khương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Tháp cho biết, bình quân mỗi năm trên địa bàn có hơn 7.000 trẻ bị các tai nạn thương tích, tuy nhiên, đuối nước vẫn là nguyên nhân khiến trẻ em tử vong nhiều nhất. Trước đây, trẻ em bị đuối nước thường tập trung vào mùa nước lũ hay mùa mưa bão, những năm gần đây, tình trạng này xảy ra đều ở các tháng trong năm.
Ông Huỳnh Duy Khương thông tin thêm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ tử vong do đuối nước là do sự chủ quan, thiếu sự quan tâm, giám sát của người lớn trong gia đình. Bên cạnh đó, trẻ thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường sống, nhất là an toàn trong môi trường dưới nước, trẻ chưa biết cách xử lý tình huống khi té ngã xuống nước hoặc biết cách cứu đuối...
Mặt khác, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cơ sở còn thiếu, yếu và chưa đồng bộ. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 82/144 xã, phường, thị trấn có thành lập Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã và 8/12 huyện, thị, thành phố có thành lập Ban Điều hành Bảo vệ trẻ em cấp huyện; mới có hơn 64 nghìn hộ được công nhận tiêu chí "Ngôi nhà an toàn", chiếm tỷ lệ 16,73%.
Ông Huỳnh Duy Khương cho biết, thời gian tới, ngành sẽ có những biện pháp quyết liệt để giảm tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngành sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em; nhân rộng các mô hình phổ cập bơi và các kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ tại cộng đồng, trường học.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc thực hiện các quy định an toàn trong các công trình xây dựng; kiện toàn, phủ đầy Ban Bảo vệ trẻ em các cấp để đảm bảo cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương được chặt chẽ và kịp thời...