Ca khúc “Tự nguyện” mở đầu chương trình đã tôn vinh lẽ sống, sự hi sinh cao đẹp cho nghề báo của Đinh Hữu Dư. Bằng âm nhạc, những người làm chương trình đã gián tiếp phác họa hình ảnh của người phóng viên trẻ đầy nhiệt huyết với nghề này.
Biểu diễn văn nghệ chào mừng. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN |
Mặc dù Dư ra đi đã được gần 2 tháng nhưng những câu chuyện về anh vẫn còn được nhắc đến mãi. Những câu chuyện lần đầu được kể bởi người thầy, người bạn, người đồng nghiệp của anh.
Là bạn học cùng Đại học của Đinh Hữu Dư, chị Doãn Thùy Linh có rất nhiều kỉ niệm với Dư. Linh say sưa kể về Dư, không chỉ bằng sự quý mến mà còn bằng lòng biết ơn.
Linh chia sẻ, năm 2011, sau khi chị tốt nghiệp Đại học, bố mẹ có để lại cho một chiếc xe máy Wave. Nhưng chiếc xe bị lấy trộm mất ngay buổi tối hôm Linh nhận được giấy tờ xe. Khi ấy, Đinh Hữu Dư bằng tiền tích góp của mình có mua được một chiếc xe máy cũ, anh đã để cho Linh mượn xe của mình đi làm, còn anh di chuyển bằng xe buýt.
6 tháng sau đó, Linh đã đi làm bằng chiếc xe của Dư. Càng về sau, khi biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình Dư, phải vay tiền để trang trải cho việc học, Linh lại càng trân trọng lòng tốt của Dư. "Cho đến khi về nhà dự đám tang của Dư, mọi người mới hiểu được hết nỗi khó khăn mà bạn phải vượt qua để hoàn thành ước mơ. Dư có sự tự trọng cao nên không chia sẻ với ai về hoàn cảnh gia đình bao giờ", Thùy Linh kể lại.
Các khách mời chia sẻ kỉ niệm về Đinh Hữu Dư. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN |
Còn với PGS.TS Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng Khoa Báo chí thì Đinh Hữu Dư là cậu sinh viên rất mạnh dạn khi chủ động nhờ thầy hướng dẫn làm luận văn Thạc sĩ. Thầy đánh giá Đinh Hữu Dư là một người có khả năng viết chính luận tốt – điều mà rất nhiều nhà báo hiện nay không có. Thời gian làm việc cùng Dư với thầy có thể không dài nhưng kí ức, tình cảm đọng lại trong thầy là rất lớn. Đó cũng chính là động lực thôi thúc thầy viết một cuốn sách tổng hợp những bài viết của Đinh Hữu Dư cũng như kể những câu chuyện về anh.
Ở góc nhìn của một người đồng nghiệp gắn bó hơn 1 năm với Đinh Hữu Dư tại cơ quan thường trú Yên Bái, phóng viên Phạm Thế Duyệt rất xúc động khi bắt đầu trò chuyện bằng kỉ niệm.
“Tôi và Dư cứ đi tác nghiệp là mưa. Và lần tác nghiệp cuối cùng với Đinh Hữu Dư cũng là lần mưa to nhất”. Anh Duyệt còn nhớ như in hình ảnh trước khi cầu Thia sập, người dân vẫn còn đang vớt củi dưới sông. Khi đó Hữu Dư đã che ô cho anh Duyệt quay phim rồi anh Duyệt lại che ô cho Dư chụp. Vậy mà chỉ sau giây lát khi anh Duyệt vào thay phim, cơn mưa to nhất ấy đã cuốn đi người bạn, người em của anh.
Sống cùng Đinh Hữu Dư hơn một năm, anh Duyệt nhận thấy đồng nghiệp của mình là một người sống hi sinh cho gia đình, cho bạn bè và cho cả những người không quen biết. Số tiền anh kiếm ra phần nhiều là gửi về cho gia đình và một phần dùng để nuôi ước mơ xây dựng tủ sách cho trẻ em vùng cao. Thứ anh mua cho mình trong suốt quãng thời gian ấy chỉ là một đôi giày giảm giá bán vỉa hè và một chiếc áo phông.
Phóng viên TTXVN Phạm Thế Duyệt chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN |
Những câu chuyện được kể và những giọt nước mắt lại rơi. Hơn 500 sinh viên cũng như khán giả ngồi dưới đã có những giây phút lặng thinh. Lặng đi vì nhớ, lặng đi vì khát vọng, vì nhân cách của một người trẻ đầy nhiệt huyết và đam mê nhưng vất vả.
Có một “ngọn lửa” đã được truyền đi, một ngọn lửa đang cháy trong trái tim những sinh viên báo chí. Đinh Hữu Dư là “ngọn lửa” nghề, là người đã đánh thức những khát khao được làm nghề báo.
“Anh Dư, người anh em mới biết và chỉ biết qua tin tức. Tiếc là những tin tức khiến người ta buồn. Nhưng anh ấy là người làm em yêu nghề báo em chọn. Em không đến với nghề báo như sự lựa chọn đầu tiên. Còn bây giờ, báo là sự lựa chọn cuối cùng. Anh Dư để lại đó là tình yêu cho những người làm nghề”, Nguyễn Thị Ngọc Trang, một sinh viên năm nhất nghẹn ngào chia sẻ.
Cũng tại tọa đàm, các nhà báo, phóng viên TTXVN để chia sẻ với sinh viên báo chí những kinh nghiệm làm báo và xử lí tình huống trong khi tác nghiệp. Khách mời là những nhà báo làm trong các lĩnh vực khác nhau đã cho sinh viên cái nhìn bao quát nhất về nghề báo. Các sinh viên sôi nổi đưa ra câu hỏi cho các vị khách mời và đã nhận được rất nhiều kinh nghiệm quý báu.
Buổi tọa đàm khép lại với tình yêu nghề đang được lan tỏa, với sự khâm phục tấm gương của nhà báo, phóng viên Đinh Hữu Dư. Tọa đàm do Đoàn Thanh niên TTXVN phối hợp với Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức. Chương trình nhằm giáo dục tinh thần vượt khó, lý tưởng sống đẹp và lòng đam mê nghề báo cho các sinh viên, đoàn viên thanh niên. Đây cũng là cơ hội để tăng cường giao lưu, hợp tác giữa TTXVN và Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Bí thư Đoàn Thanh niên TTXVN Lê Minh Đức cho biết: Để thực hiện ước mơ còn dang dở của đồng nghiệp Đinh Hữu Dư, Đoàn Thanh niên TTXVN đã phát động triển khai chương trình từ thiện xây dựng những tủ sách cho trẻ em vùng cao. Chương trình mang tên “Tủ sách Đinh Hữu Dư – Viết tiếp ước mơ còn dang dở”, với mục tiêu mang sách đến với học sinh; tạo thêm cơ hội mở rộng kiến thức, văn hóa đọc cho trẻ em ở những vùng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.