Các ý kiến tại Hội thảo đã tập trung phân tích về những nội dung trong Dự thảo “Sổ tay cho báo chí nhằm chống lại sự phân biệt đối xử với các nhóm dễ bị tổn thương”. Theo đó, các ý kiến nhất trí về sự cần thiết của một ấn phẩm như một cẩm nang dành cho các nhà báo đưa tin về các lĩnh vực này, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng thiết thực cho các nhà báo khi tác nghiệp, từ đó thực hiện các sản phẩm báo chí đảm bảo về quy định pháp lý, đạo đức nghề nghiệp, tính nhân văn và quyền lợi của các nhóm người dễ bị tổn thương.
Các chuyên gia, nhà báo, luật sư và các nhà hoạt động xã hội, đại diện cho các nhóm dễ bị tổn thương... đã thẳng thắn trao đổi về những vấn đê tồn tại hiện nay trên báo chí khi đăng tải thông tin về những nhóm dễ bị tổn thương. Đó là việc khai thác các góc độ câu view; “bi kịch hoá, lãng mạn hoá, anh hùng hoá” các nhân vật; quá đi sâu vào đời tư, không phục vụ nhu cầu thông tin; Sai sót trong giao tiếp khi tác nghiệp; Nhầm lẫn trong sử dụng ngôn ngữ, khái niệm không chính xác và tiếp tục gây tổn thương cho nhân vật…
Nhiều sáng kiến được đề xuất: Thiết kế các hình thức xuất bản để dễ tiếp cận nhất với người sử dụng (sổ tay nhỏ, số hoá, hình hoá…); Cung cấp một hệ thống các văn bản pháp luật để hỗ trợ nhà báo; Gợi ý những nội dung thiết thực cần đề cập trên báo chí; Liệt kê những khuyến cáo nên thực hiện khi tác nghiệp hiện trường và khi viết bài… và các chương trình tập huấn sâu với từng nhóm nhà báo khi viết về các nhóm đối tượng.
Đại diện Ban soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Sổ tay và dự kiến có các trao đổi sâu đê hoàn thiện ấn phẩm, nhằm hỗ trợ các nhà báo thực hiện các tác phẩm báo chí đảm bảo không vi phạm quyền của những người dễ bị tổn thương, hỗ trợ những người dễ bị tổn thương hội nhập và tham gia một cách cân bằng trong mọi hoạt động xã hội....