Nhà bị sạt nhiều nhất cũng vào đến 5 mét, ít là 1,5 mét. Đây cũng là một trong hơn 20 điểm sạt lở nghiêm trọng của Hà Nội cần xử lý gấp từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn "giậm chân" tại chỗ.
Sạt lở tại các nhà dân trong thôn Thịnh Thôn. Ảnh: Phương Anh/TTXVN |
Nơm nớp lo sợ
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong các ngày từ 18 - 20/8/2016 trên địa bàn huyện Ba Vì xảy ra mưa lớn, với lượng mưa trung bình 190mm. Tổng lượng mưa đo được là trên 365mm. Mưa lớn cộng với lượng nước của các trận mưa trước cơn bão đã gây ra tình trạng sạt lở, ngập úng trên diện rộng, làm hệ thống kênh tiêu của huyện bị tê liệt.
Ước tính toàn huyện có trên 1.765 ha lúa, hơn 140 ha hoa màu, 330 ha thủy sản bị ngập úng. Mưa lớn liên tiếp trong nhiều ngày liền gây ra tình trạng sạt lở đất ở một số xã như: Ba Vì, Tản Lĩnh, Yên Bài và sạt lở đất bờ sông thuộc địa phận các xã Thái Hòa, Chu Minh, Cam Thượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân.
Hiện, khu vực gần bờ sông Hồng ở xã Cam Thượng vẫn có dấu hiệu sạt lở, gây nguy hiểm tính mạng và ảnh hưởng đời sống dân sinh. Để đảm bảo an toàn, chính quyền xã đã có tờ trình kiến nghị UBND huyện và thành phố Hà Nội sớm triển khai các biện pháp khắc phục những điểm sạt lở nghiêm trọng này, nhất là trong thời điểm đang vào mùa mưa bão.
Bác Nguyễn Thị Đào, một trong 30 hộ bị sạt lở đến tận sân vườn ở xóm Giữa, thôn Thịnh Thôn cho biết, người dân ở địa phương mong các cấp chính quyền triển khai biện pháp khắc phục sạt lở để người dân yên tâm. Mỗi khi mưa to, gió mạnh, nhiều người không ngủ được vì nơm nớp lo sợ nhà sập.
Cùng tâm trạng, bác Đào, bà Tâm xóm Vòng Chùa, thôn Thịnh Thôn cho hay, đường đi sát nhà bị sạt lở nhiều lần, không đảm bảo an toàn, người dân luôn trong tình trạng lo lắng.
Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, hiện hệ thống đê điều Hà Nội nằm trong chương trình đảm bảo việc chống lũ theo định mức thiết kế. Tuy nhiên, một số đê trọng điểm và điểm xung yếu cần phải triển khai phương án xử lý cấp bách.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã lên phương án cụ thể để phòng trường hợp thời tiết bất thường gây ra diễn biến bất lợi. Cũng theo ông Thịnh, việc sạt lở ở xóm Giữa, thôn Thịnh Thôn là 1 trong 4 điểm sạt lở tại huyện Ba Vì, đã sạt lở thời điểm cuối 2015 và mùa mưa bão 2016.
Hiện UBND thành phố cho xử lý cấp bách nhưng đang vướng bởi văn bản về quy định trình tự, thủ tục. Hy vọng với sự chỉ đạo sát sao của UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ hoàn thành thủ tục đầu tư và triển khai sớm để ít nhất có thể đưa vào chống lũ năm 2017.
Cần xử lý ngay
Qua kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phát hiện hơn 20 điểm sạt lở nghiêm trọng cần khắc phục và có quyết định xử lý khẩn cấp. Tuy nhiên, đây là tuyến đê cấp 1 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nên việc xử lý các điểm sạt lở trọng điểm phải tuân thủ theo trình tự xét duyệt Luật Đầu tư công nên nhiều công trình sạt lở nghiêm trọng cần xử lý cấp bách nhưng lại bị chậm trễ.
Ông Nguyễn Duy Khả, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, tại các điểm sạt lở như xã Thái Hòa, UBND huyện Ba Vì có quyết định ứng vốn để bù cho dân, người dân hiến đất để thực hiện, đơn vị thi công sẵn sàng làm công việc tiếp theo. Tiến độ thực hiện chậm không phải do đơn vị nào, không phải do thiếu vốn mà liên quan đến thủ tục thực hiện Luật Đầu tư công. Vì vậy, địa phương mong muốn thành phố quan tâm bố trí vốn, tạo điều kiện để huyện Ba Vì hoàn thành nhiệm vụ.
Cán bộ Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đi kiểm tra các điểm sạt lở. |
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Duy Khả, ông Đỗ Đức Thịnh Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho biết, tình hình xử lý sạt lở trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay đang có sự chậm trễ do quy định trình tự, thủ tục. Nếu như trước đây, khi thực hiện dự án, cùng với việc triển khai khảo sát thiết kế, các đơn vị cũng thực hiện thi công ngay và thời gian nếu nhanh chỉ mất khoảng 3 tháng, 5 tháng là xong.
Tuy nhiên, sau khi có văn bản số 6000/UBND-NNNT của UBND thành phố Hà Nội về triển khai dự án xử lý sự cố hư hỏng công trình thủy lợi, đê điều khẩn cấp, có tính cấp bách, muốn thực hiện dự án cần phải theo quy định, trình tự thủ tục trình để triển khai dự án. Sau khi có sự đồng ý mới được triển khai thi công. Điều này làm mất thời gian và đã khiến cho nhiều dự án xử lý sự cố bị chững lại.
Thực tế cho thấy, năm 2016 xuất hiện hơn 20 điểm sạt lở cần xử lý gấp nhưng nay mới hoàn thành 2 điểm, 4 điểm đang triển khai thi công, còn lại 17 điểm vẫn đang làm thủ tục; trong đó, ở huyện Ba Vì có 4 điểm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đang đề xuất UBND thành phố nghiên cứu sửa đổi, bổ sung văn bản 6000/UBND-NNNT làm sao cho khi cấp trên đồng ý xử lý cấp bách thì phải triển khai ngay, song song với việc triển khai thì sẽ hoàn thành hồ sơ đảm bảo theo đúng thủ tục quy định.
Trước mắt, khi các điểm sạt lở nghiêm trọng chưa được khắc phục, chính quyền huyện và UBND thành phố yêu cầu bà con ở những nơi nguy hiểm phải di dời tạm thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng và tài sản. Tiếp đến, đẩy mạnh việc hoàn thành thủ tục và sớm triển khai xử lý các điểm sạt lở và có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão.