11 đập thủy điện của các nước thượng nguồn sông Mê Kông hoàn thành và đi vào vận hành sẽ làm giảm lượng cát và phù sa bồi đắp cho đồng bằng sông Cửu Long. Để ứng phó với việc suy giảm phù sa, nhiều giải pháp đã được đưa ra để bảo vệ vành đai sông, biển, rừng phòng hộ, duy trì mảnh đất trù phú, màu mỡ của khu vực này.
Hạn chế khai thác cát
Khi nguồn cát kiến tạo đồng bằng đang hạn chế dần, việc bảo vệ nguồn cát trên các sông Tiền, sông Hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long trở thành vấn đề cấp bách. Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, các tỉnh đã siết lại và quản lý chặt chẽ việc khai thác cát tại các mỏ cát trên sông Tiền, sông Hậu. Tuy nhiên, điều này vẫn chỉ là giải pháp tạm thời ứng phó với nguồn cát đang giảm dần từ thượng nguồn Mê Kông.
Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng khiến nhiều nhà dân bị sập ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang ngày 22/4. Ảnh: Công Mạo/TTXVN |
Vì vậy, nếu vẫn còn cho phép khai thác cát tại các lòng sông để cung cấp cho vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng, bờ sông vẫn sẽ tiếp tục xói lở. Bên cạnh đó, các tỉnh cần một quy hoạch, đánh giá tác động môi trường tổng thể liên khu vực Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười và bán đảo Cà Mau. Bởi sự thiếu cát cục bộ tại các tỉnh đầu nguồn Cửu Long như An Giang, Đồng Tháp sẽ kéo theo thiếu cát giữ vững bờ biển, thiếu phù sa cho bồi lắng đồng bằng ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau ở hạ nguồn sông Cửu Long.
Đối với vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh Đồng Tháp đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng tìm kiếm vật liệu xây dựng mới thay thế cát cho tương lai, tránh khai thác cát từ các lòng sông hiện nay, cân bằng nguồn cát về ngày càng ít đi, bảo vệ nguồn cát trong lòng sông, hạn chế sạt lở cục bộ bờ sông, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có khảo sát tổng thể lòng dẫn sông Tiền, sông Hậu, trục động lực dòng chảy, có biện pháp chỉnh trị dòng sông bằng công trình, phi công trình, giúp các tỉnh có định hướng dài hơi hơn.
Chính phủ đưa ra chỉ đạo dài hơi hơn trong biến đổi khí hậu gắn với các đập thượng nguồn, tránh gây đói phù sa, thiếu trầm tích cho biển Đông và biển Tây tại Cà Mau. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng đề án thi công các công trình kè phòng chống sạt lở tại khu vực huyện Hồng Ngự và Thanh Bình. Cụ thể, huyện Hồng Ngự đã thi công kè áp mái Thường Thới Tiền dài 2,7 km và tiếp tục kiến nghị thi công thêm 460 mét kè áp mái với kinh phí 281 tỷ đồng.
Huyện Thanh Bình đã thi công 2,3 km kè áp mái, bảo vệ tuyến quốc lộ 30, kinh phí thực hiện 72 tỷ đồng, thời gian tới thi công tiếp 1,7 km kè bảo vệ tuyến quốc lộ 30 dọc xã Bình Thành với kinh phí 172 tỷ đồng. Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, với những điểm sạt lở tại thành phố Châu Đốc, huyện Châu Phú, thành phố Long Xuyên, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã chỉ đạo ổn định các hố xoáy trong lòng sông, làm kè bảo vệ dọc các khu vực này và các công trình, di tích văn hóa, cột mốc biên giới…
Không những vậy, khi cấp phép khai thác cát trên sông Hậu, tỉnh An Giang thực hiện đánh giá tác động môi trường, kiểm soát chặt chẽ từng khâu quy hoạch khai thác cát. Trong đó, tiêu chí ưu tiên quy hoạch khai thác cát là phòng tránh sạt lở, chỉnh trị dòng chảy để phòng ngừa sạt lở. Thông qua việc kiểm soát khai thác cát, tỉnh An Giang thực hiện chặt chẽ và kiểm soát lực lượng khai thác cát lậu, kiên quyết không cho nạo vét tận thu, tắc luồng của cơ quan đường thủy.
Chống sạt lở bằng công trình mềm dẻo
Dưới tác động của sóng biển suốt ngày đêm, dải bờ biển khu vực Bạc Liêu và Cà Mau ngày càng sạt lở nghiêm trọng. Ước tính, hơn 300 km bờ biển của hai tỉnh này có hơn 100 km được khoanh vùng báo động sạt lở, chính quyền địa phương phải ra lệnh hộ đê khẩn cấp vào những đợt gió mùa Đông Bắc, gió mùa Tây Nam thổi về. Theo ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, vùng biển Tây có 120 km sạt lở, trong có có ba điểm nguy cấp cần bảo vệ với tổng chiều dài 57 km.
Tuyến đê kè Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN |
Cụ thể, từ Tiểu Dừa giáp Kiên Giang đến vàm Ba Tỉnh, dài 27 km, đoạn từ Ba Tỉnh đến Mũi Tràm 17km, từ Sông Đốc đến cửa Bãi Háp là 15km. Những đoạn này đã được tỉnh Cà Mau thực hiện xây dựng kè ly tâm 14 km tại bờ biển Tây và 11 km tại biển Đông, kinh phí 650 tỷ đồng, bảo vệ vành đai ven biển, gây bồi tạo bãi, đến cao trình nhất định, cây mắm và đước sẽ mọc lên bảo vệ đất.
Kè này được thiết kế linh hoạt, mềm dẻo bằng những trụ bê tông ly tâm dài 7 mét, đóng thành hai hàng cách nhau 2 mét, trụ cách trụ 0,5 mét, bên trong kè chèn đá tảng cho nước tràn qua, giảm lực sóng đánh vào bờ, giữ lượng phù sa khi sóng trôi ngược lại biển. Kể từ khi thí điểm cho đến nay, bờ biển Tây đã được bồi lắng, tạo bãi lấn ngược ra biển gần 3 mét, phục hồi gần 40 ha đất rừng đã mất trước đây của bờ biển Tây. Sau khi bãi bồi đã được phục hồi, các trụ bê tông sẽ được dời ra xa hơn nữa để tạo bãi tiếp theo.
Từ khi sạt lở đến nay, đê biển Cà Mau vẫn giữ vững nhờ chủ động xử lý tạm thời bên trong. Qua khảo sát, hiện biển Tây còn 40 km, bị sạt lở có nguy cơ hộ đê hàng năm, kinh phí làm kè khoảng 1.000 tỷ đồng. Để thực hiện dự án này, tỉnh Cà Mau đã kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Các tổ chức đã ghi nhớ hỗ trợ tỉnh Cà Mau xử lý những đoạn còn lại. Những vị trí ảnh hưởng đê, tỉnh chủ động xây dựng kè tạm thời bảo vệ bên trong đê, sản xuất của người dân tỉnh Cà Mau. Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau Nguyễn Như Độ cho biết, song song với việc làm kè bê tông ly tâm, tỉnh Cà Mau có dự án trồng rừng cách đây 3 năm, với kế hoạch triển khai 920 ha rừng phòng hộ ven biển.
Đến nay, tỉnh đã trồng được 500 ha tại 6 huyện ven biển với kinh phí 114 tỷ đồng, trong đó, trồng khẩn cấp tại huyện Trần Văn Thời 23 ha, toàn tuyến Phú Tân 55 ha, xã Đất Mũi trồng 89 ha, với nguồn vốn 9 tỷ đồng. Mặt khác, ngoài giải pháp đề xuất sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, giải pháp xã hội hóa, giao đất cho doanh nghiệp để doanh nghiệp đầu tư xây kè, trồng rừng, bảo vệ khu vực sản xuất đã được tỉnh Cà Mau thực hiện.
Tính đến nay, quá trình xây kè xã hội hóa được 2 km bờ biển Tây. Đồng thời, Chính phủ tạo điều kiện để tỉnh Cà Mau được hỗ trợ nguồn vốn ODA, Trung ương hỗ trợ với 3 dự án kè chống sạt lở tạo bãi bồi, trồng lại rừng, khôi phục lại rừng ven sông, tổng vốn hơn 1.400 tỷ đồng, để xây kè bảo vệ đất, rừng và biển tại các khu vực sạt lở, cũng chính là bảo vệ lãnh thổ nước nhà.
Khu vực Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu có hơn 2.000 hộ dân sinh sống. Các nhà khoa học khuyến cáo giữ lại cửa Gành Hào. Do đó, Ban Quản lý dự án tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thi công tại chỗ đoạn R1, phá sóng tại chỗ bằng cách thả những trụ chắn sóng tetrapod, phá sóng ngầm từ xa, kéo theo gây bồi tạo bãi, trồng rừng. Riêng điểm xung ứng R1 ngay cửa Gành Hào, với độ sâu 3 mét nên chỉ có giải pháp xây dựng kè ly tâm giảm sóng từ xa, tránh gây sạt lở bên trong, từng bước gây bồi, tạo bãi, trồng rừng giảm gió, rễ cây bám đất tránh sạt lở.
Có thể nói rằng, đây là những giải pháp trước mắt, thích ứng với thiên nhiên, biến đổi khí hậu, kéo dài thời gian giữ đất, tạo bãi cho người dân sinh sống, làm ăn. Tuy nhiên, về lâu dài, có thể giữ được lớp trầm tích này hay không để tránh tan rã đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn là một câu hỏi mở.