Tình trạng "hố tử thần" gây hoang mang cho người dân. Ảnh: cand.com |
Quyết định trên được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đưa ra sau khi được sự cho phép của UBND thành phố.
UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức xây dựng phương án dự toán, chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2016, để tổ chức triển khai thực hiện việc điều tra, khảo sát địa chất, đánh giá nguyên nhân và đề xuất phương án khắc phục sự cố sụt lún tại khu vực này. Trước mắt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu các phòng, ban chuyên môn và UBND xã An Tiến tiếp tục duy trì các biện pháp bảo vệ, cảnh báo an toàn, có phương án xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; bố trí chỗ ở, có chính sách hỗ trợ bảo đảm cuộc sống sinh hoạt đối với các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi sụt lún theo quy định.
Về giải pháp lâu dài, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiệm vụ điều tra, khảo sát, thăm dò đánh giá mức độ phát triển hang động Karst ảnh hưởng đến đời sống và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội để cảnh báo cho người dân các khu vực bị ảnh hưởng; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND huyện Mỹ Đức rà soát “Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, đề xuất triển khai xây dựng trạm cấp nước sạch tập trung cho nhân dân các xã trên địa bàn huyện Mỹ Đức.
Trước đó, ngày 2/4, hiện tượng sụt lún đất nghiêm trọng đã xảy ra tại thôn Hòa Lạc, xã An Tiến, huyện Mỹ Đức, khiến ít nhất 4 hộ dân phải sơ tán đến nơi an toàn. Các hố sụt lún có đường kính khoảng 10m, chiều sâu khoảng 7m khiến các công trình xây dựng kế cận sụp đổ. Ngay sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương đã lập hàng rào chắn với biển báo “khu vực nguy hiểm”, đồng thời khuyến cáo người dân không qua lại khu vực sụt lún.