Hội nghị do UBND thành phố Hà Nội chủ trì, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) thực hiện; nhằm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Nghị quyết số 105/NQ-CP, ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Điểm đến an toàn, hấp dẫn, ổn định
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng, cho biết: Với mong muốn thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào Thủ đô, Chính quyền thành phố đã và đang tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố thu hút được 6.625 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký khoảng 48,7 tỷ USD.
Trong năm 2018 và năm 2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn tương ứng là 7,5 tỷ USD và 8,67 tỷ USD; Năm 2020, Hà Nội đứng thứ 3 trên cả nướcm với số vốn là 3,83 tỷ USD;
Trong 9 tháng năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động tiêu cực bởi đại dịch CoVID-19, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng, lạc quan với môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố, đã đầu tư vào Hà Nội với số vốn đăng ký là 1,28 tỷ USD; qua đó đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội chung, với khoảng 10% tổng thu ngân sách, 12,6% vốn đầu tư phát triển, 30% tổng việc làm và 45% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả thành phố.
"Đây là một minh chứng vững chắc về môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố Hà Nội, và là điểm đến an toàn, hấp dẫn, ổn định cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài…", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Tuy có những điểm sáng như vậy, nhưng cùng với các địa phương trên cả nước, thời gian qua, Hà Nội phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, chính quyền thành phố Hà Nội đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm: Phòng, chống dịch từ sớm, từ xa và luôn chuẩn bị các điều kiện, các phương án phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn để tránh bị động, bất ngờ khi gặp tình huống dịch xấu hơn; không lơ là, chủ quan, nóng vội trong mọi tình huống của dịch bệnh.
Đến nay, thành phố cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch và đang từng bước thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch, đưa Hà Nội trở lại trạng thái bình thường mới.
Tổng sản phẩm GRDP của thành phố Hà Nội 9 tháng năm 2021 tuy vẫn tăng trưởng dương, tăng 1,28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra; mặc dù số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 77%, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 12%, doanh nghiệp giải thể tăng 22%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp bị đình trệ, một số chuỗi cung ứng hàng hóa tại một số thời điểm nhất định bị gián đoạn; việc giao thương hàng hóa, đi lại của các chuyên gia, các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn bởi đại dịch COVID-19.
Trước tình hình đó, chính quyền thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai đồng bộ ngay các giải pháp: Gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất của năm 2021...
Hiện, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đang xem xét và sẽ sớm ban hành thêm các chính sách miễn thuế, giảm thuế nhằm tiếp tục hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Cấp phép nhanh chóng, đồng hành cùng DN phục hồi mạnh mẽ sản xuất, kinh doanh
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, với vai trò và vị thế của Thủ đô, chính quyền thành phố đặt mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố "xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại", xây dựng thành phố thông minh, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực, duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.
Để đạt được mục tiêu đó, thành phố Hà Nội sẽ tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Phát triển hạ tầng số, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. Đẩy mạnh công tác chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Tạo chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện...
Với tiềm năng, lợi thế và chính sách ưu việt của mình, Thủ đô Hà Nội sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực đến và đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô. Chính quyền thành phố Hà Nội cam kết sẽ bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố Hà Nội.
Đồng thời, chính quyền thành phố Hà Nội cũng đề nghị các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam; thực hiện đúng, đầy đủ, có chất lượng các dự án đầu tư theo đúng Giấy phép đầu tư và các cam kết của nhà đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
"Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và cầu thị, tại hội nghị đối thoại hôm nay, chính quyền thành phố Hà Nội mong muốn được lắng nghe sự chia sẻ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp phải trên địa bàn thành phố; đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất, những sáng kiến, kinh nghiệm để chính quyền thành phố có giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình khôi phục và phát triển kinh tế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trên địa bàn Thủ đô...", đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
"Chúng tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm cao của chính quyền các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân; cùng ý chí và tinh thần sáng tạo, vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ sớm vượt qua đại dịch COVID-19, phục hồi mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng", Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Chia sẻ tại hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố trong bối cảnh dịch COVID-19”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Quyền, cho biết: Đại dịch COVID-19 đã mang đến những thách thức chưa từng có, gây ra tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế-xã hội. Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, ổn định kinh tế trên địa bàn, Thành phố đã ban hành nhiều giải pháp để phòng, chống dịch đi đôi với duy trì phát triển kinh tế. Về cơ bản, đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát. Thành phố đang từng bước phục hồi và phát triển kinh tế.
Thông tin về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm của Thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Tổng sản phẩm GRDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 6,61%; quý III giảm 7,02%, chủ yếu do các nhóm ngành như: dịch vụ giảm 8,18%, công nghiệp - xây dựng giảm 6,76%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, GRDP tăng được 1,28% so với cùng kỳ, một số nhóm ngành cơ bản vẫn duy trì được tăng trưởng dương như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp và xây dựng; Dịch vụ; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp.
Trong 9 tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước đạt 177,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ, đảm bảo cân đối cho chi ngân sách, nhất là chi đầu tư phát triển, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ ổn định an sinh xã hội. Mặc dù, cung ứng hàng hóa gặp khó khăn nhất định do chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức 1,54%. Hệ thống tín dụng, ngân hàng vẫn hoạt động ổn định và hiệu quả. Cụ thể, huy động vốn đạt 4,14 triệu tỷ đồng, tăng 7,42%; dư nợ hơn 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,% so với cùng kỳ, đảm bảo nguồn vốn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Bên cạnh các nỗ lực để phòng, chống dịch bệnh, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chung tay vì cộng đồng của các doanh nghiệp trên địa bàn, Thành phố đã triển khai các chính sách an sinh xã hội để kịp thời hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tạo nền tảng ổn định cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Hà Nội là một trong những địa phương đón nhận dự án đầu tư nước ngoài sớm nhất, với dự án đầu tiên từ năm 1989; đến nay, Thành phố là địa phương đứng thứ 3 toàn quốc về tổng vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp theo đà thu hút FDI từ năm 2018 trở lại đây, vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội từ đầu năm đến nay đạt 1,28 tỷ USD. Trong đó, đăng ký mới 256 dự án với số vốn 144 triệu USD; tăng vốn 93 dự án thêm 6 triệu USD và 346 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần với số vốn 450 triệu USD.
"Đặc biệt, để chuẩn bị cho Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố trong bối cảnh dịch COVID-19”, với quyết tâm hỗ trợ, đồng hành giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư; từ ngày 21/9/2021 đến nay, Thành phố đã cấp phép điều chỉnh cho một số dự án lớn với vốn tăng thêm 340 triệu USD. Kết quả này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội cũng như sự quan tâm của chính quyền Thành phố trong việc hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết các thủ tục liên quan để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm giải ngân, triển khai dự án, đón đầu xu hướng hồi phục kinh tế", Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Cùng với đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư và công ty trong nước cũng quan tâm mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng cho hệ sinh thái bền vững và hứa hẹn ngày càng sôi động. Theo đó, thu hút đầu tư trong nước 9 tháng đầu năm đạt 9.650 tỷ đồng, gồm có 12 dự án mới với tổng vốn 1.799 tỷ đồng và 59 dự án tăng vốn 7.852 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 17.328 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 232,3 nghìn tỷ đồng; 8.310 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 77% so với cùng kỳ. Đến hết tháng 9/2021, trên địa bàn Thành phố có tổng cộng 318.789 doanh nghiệp.
Với tinh thần luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch nhằm biến "nguy" thành "cơ", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Quyền, khẳng định: Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội luôn coi công tác hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Thành phố đã ban hành kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, đang hoàn thiện Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn, tập trung vào các nhóm giải pháp như: cải cách thủ tục hành chính; ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; duy trì các hoạt động đối thoại, hội thảo, tập huấn để nắm bắt và kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, công tác hỗ trợ doanh nghiệp trước khó khăn của đại dịch đã được triển khai kịp thời, đúng lúc, toàn diện và đa dạng hình thức. Thời gian tới, Thành phố tập trung các nguồn lực để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm với mong muốn và quyết tâm nhanh chóng đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sớm phục hồi và phát triển kinh tế theo song vẫn đảm bảo phòng, chống dịch theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả".
Nhiều đề xuất từ phía doanh nghiệp
Tại Hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị nhiều về vấn đề liên quan đến thuế, thủ tục hành chính về cấp phép cho lao động là chuyên gia nước ngoài, việc giải phóng mặt bằng...
Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản (JCCI), ông Inoue đã đưa ra 3 đề xuất trên quan điểm “Duy trì hoạt động kinh tế một cách hiệu quả và năng suất trên cơ sở thích ứng với dịch bệnh COVID-19”, “phát triển kinh tế Hà Nội hơn nữa”, “duy trì và nâng cao lợi thế cạnh tranh về đầu tư với các nước láng giềng” trong trường hợp nếu đại dịch bùng phát trong tương lai. Theo đó, đầu tiên, ông Inoue đề xuất việc nới lỏng quy định về điều kiện hoạt động của nhà máy và đi lại của người lao động.
Cụ thể, DN đề xuất cho phép người lao động có chứng nhận tiêm phòng vaccine từ 1 mũi trở lên hoặc có chứng nhận kết quả âm tính được phép đi làm từ nhà, bất kể đó là vùng dịch hay không; chỉ yêu cầu xét nghiệm với một số lượng người nhất định (5-10% tổng số người đi làm); gia hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính khoảng 2 tuần. Đồng thời, mong muốn thành phố thống nhất tiêu chí áp dụng tại những khu vực trên địa bàn và thực hiện thủ tục cấp phép theo các tiêu chí, qua đó đẩy nhanh quy trình hành chính. Trong trường hợp phát sinh ca nhiễm F0 tại nhà máy thì có thể khoanh vùng cho dây chuyền sản xuất trong phạm vi cần thiết tối thiểu.
Đề xuất tiếp theo là về nới lỏng quy định vận tải hàng hoá, cụ thể là nới lỏng tần suất xét nghiệm PCR với lái xe nếu họ đã tiêm vaccine, và cho phép lưu thông qua khu vực thực hiện giãn cách trên tuyến đường lưu thông có điểm đầu và cuối là địa phương không thuộc diện giãn cách.
Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh chia sẻ, khảo sát của Eurocham cuối tháng 8/2021 cho thấy 91% doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng tiêu cực, 76% có kết quả kinh doanh không tốt, thậm chí gần 30% rất tồi tệ do hệ quả của thời gian giãn cách xã hội tháng 6 đến tháng 8.
Có nhiều vấn đề trong thời gian qua mà các DN đã kiến nghị, ví dụ về 3 tại chỗ, giấy đi đường, về tình trạng đóng cửa gây hạn chế lưu thông hàng hoá. Khảo sát DN châu Âu cho thấy, 70% DN cho rằng vận tải, cung ứng, là tác nhân lớn nhất ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, tất nhiên trên thực tế Hà Nội là 1 trong những địa phương tạo điều kiện tốt cho lưu thông hàng hoá liên tỉnh và hiện nay phần lớn các địa phương, đặc biệt tại Hà Nội đã mở cửa và xã hội trở lại bình thường. Vì những lý do đứt quãng chuỗi cung ứng, trong thời gian qua có đến 18% DN phải chuyển dịch sản xuất sang quốc gia khác, 16% đang cân nhắc chuyển dịch.
Tuy nhiên, đại diện EuroCham cũng làm rõ lại: “Đây không phải là chuyển dây chuyền, nhà máy hay rút vốn và mà là dịch chuyển dịch nguồn cung ứng và đơn hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài. DN châu Âu không rút vốn khỏi Việt Nam”.
Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp FDI, ngay trong chiều 19/10, Thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị giải quyết những khó khăn về thủ tục hành chính, đề xuất với Trung ương việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất, thay đổi hình thức hỗ trợ... và đưa gói hỗi trợ ban đầu doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động.