Sau một thời gian theo dõi, kiểm tra, lực lượng chức năng Sở GTVT khẳng định các bến cóc này đã hoạt động trong thời gian dài, chủ yếu xung quanh khu vực các Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên cũ… và các tuyến đường phụ cận.
"Bến cóc" 162B Trần Quang Khải trưng sẵn biển chạy tuyến cố định |
Phương thức hoạt động của các bến cóc này chủ yếu là thuê văn phòng đại diện của các đơn vị vận tải sử dụng làm điểm trung chuyển, xác nhận đặt chỗ, bán vé thu tiền, đón khách, nhận hàng hóa và sử dụng xe hợp đồng hoạt động như tuyến cố định, thường xuyên gây lộn xộn giao thông tại khu vực đặt bến.
Thời gian hoạt động của các bến cóc này từ 7 – 22 giờ hàng ngày, tùy theo tuyến cố định hoạt động của từng bến cóc và nhu cầu của hành khách.
Cụ thể, 12 bến cóc bị “lật tẩy” như: Số 33 Nguyễn Hoàng (Nhà xe Cố Hương); số 66, ngõ 70, đường Nguyễn Hoàng (Nhà xe Anh Khoa); số 162B Trần Quang Khải (Công ty TNHH Hưng Thành); số 26 Phạm Hùng (Công ty Hưng Long); số 7 Phạm Văn Đồng và 789 Giải Phóng (Công ty TNHH Minh Thành Phát); số 7 Phạm Văn Đồng; số 459 Trần Khát Chân (Nhà xe Camel); số 208 Trần Quang Khải (nhà xe Queen Café); số 1 Thiên Hiền (Nhà xe Nhật Tuấn); bãi rửa xe Thành Đạt, đường Phạm Hùng; điểm dừng xe buýt Cầu Giấy (trên đường Phạm Hùng, ngã ba Phạm Hùng - Trần Quốc Vượng, vành đai 3 trên cao xuống điểm dừng đỗ; phố Trần Quốc Vượng; điểm dừng xe buýt Nguyễn Trãi – Thanh Xuân.
Ngoài ra, hàng loạt các vị trí thường xuyên tái diễn vi phạm dừng đỗ, đón trả khách sai quy định khác cũng được Sở GTVT Hà Nội chỉ rõ gồm: Cổng Đại học Ngoại Ngữ, chân cầu vượt Mai Dịch, đường dẫn lên vành đai 3 trên cao, trước cửa Toyota Mỹ Đình, đường gom Đại lộ Thăng Long, dọc tuyến Kim Đồng và Giải Phóng…
Trước thực tế trên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã yêu cầu Thanh tra Sở GTVT chỉ đạo lực lượng khẩn trương phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự cơ sở và chính quyền nhanh chóng kiểm soát, huy động lực lượng ngăn chặn và xử lý triệt để báo cáo Sở ngày 5/5.