Kết quả kiểm tra của Chi cục quản lý thị trường Hà Nội cho thấy, các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu; hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Các vi phạm đã được xử lý theo quy định.
Thử nhanh kiểm tra an toàn thực phẩm trên xe chuyên dụng tại khu vực lễ hội Chùa Hương. |
Để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, ngành Y tế thành phố Hà Nội đã thành lập 3 đội cơ động thực phẩm. Ngoài ra, 30 đội phòng chống ngộ độc thực phẩm cơ động thuộc 30 Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã cũng đã được thành lập. Đến ngày 25/2, chưa có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội 2018, Hà Nội đã đẩy mạnh chiến dịch truyền thông về an toàn thực phẩm. Công tác tuyên truyền được đa dạng hóa về phương pháp, phong phú về nội dung, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phổ biến các văn bản hướng dẫn thực hiện và kiến thức về an toàn thực phẩm cho người quản lý, người sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Sở Y tế, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Tuần lễ An toàn thực phẩm Tết năm 2018 với nội dung chính là tổ chức hội chợ với các gian hàng giới thiệu nông sản, đặc sản của Thủ đô và các tỉnh thành trong cả nước, hội thi an toàn thực phẩm...
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, thời gian tới, thành phố tiếp tục duy trì công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn; tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm; đặc biệt chú trọng thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, tập trung vào kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo và các cơ sở dịch vụ ăn uống.