Hà Nội quản taxi bằng phù hiệu riêng

Để ngăn chặn những diễn biến phức tạp trong hoạt động vận tải taxi tại thị trường Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có phương án cấp phù hiệu có màu sắc riêng cho xe taxi hoạt động trong thành phố. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dù có phù hiệu riêng thì cũng không dễ đưa hoạt động taxi vào nền nếp.


Đủ kiểu vi phạm


Chị Thu An cùng đứa con nhỏ ở tỉnh Thái Bình lên Hà Nội để khám bệnh. Vừa đặt chân xuống bến xe Giáp Bát, mẹ con chị đã bị mấy xe taxi vây kín, chèo kéo đi xe. Vừa từ chối lời mời của một xe taxi Mai Linh thì một chiếc taxi có biển hiệu Gia Đình đã nhao tới, phanh gấp trước mặt. Mặc dù chị An không hề gọi xe nhưng lái xe đã nhanh chóng mở cửa xe, giằng túi đồ trên tay chị và ép bằng được mẹ con chị lên xe. “Nhìn cái phù hiệu xe, biết ngay xe dù. Làm gì có hãng taxi Gia Đình… Lái xe dù cứ thấy khách tỉnh lẻ là có thủ đoạn ép khách đi xe”, anh Đức Cường, lái xe ôm gần đó cho biết.


 

Đủ loại taxi “bao vây” Ga Hà Nội mỗi khi hành khách rời ga.

Khi Hà Nội càng có nhiều xe taxi thì tình trạng lộn xộn trong hoạt động vận tải này càng diễn biến phức tạp. Nhất là tại các điểm công cộng như bến tàu, nhà ga, sân bay, cổng bệnh viện... tình trạng người dân bị taxi bao vây, chào mời, thậm chí bắt ép đi xe càng phổ biến. Mặc dù thành phố Hà Nội đã dừng cấp phép hoạt động mới cho doanh nghiệp vận tải taxi nhưng theo Sở GTVT Hà Nội, hiện vẫn có hơn 115 doanh nghiệp taxi, với trên 17.000 xe hoạt động.


Đặc biệt, tình trạng taxi hoạt động tự phát (taxi dù), không đăng ký kinh doanh, không có trung tâm điều hành liên lạc, tự ý gắn phù hiệu, lôgô, điện thoại… diễn biến rất phức tạp. Khách hàng rất khó phân biệt đâu là taxi hãng và đâu là taxi dù do có những taxi dù giả phù hiệu xe của hãng có uy tín để tranh khách. Bên cạnh đó, khi Hà Nội cấm thành lập doanh nghiệp vận tải taxi thì có rất nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách đăng ký mở doanh nghiệp ở các tỉnh lân cận nhưng lại về hoạt động tại Hà Nội. Rất nhiều taxi dù hoạt động tại Hà Nội hiện nay là xe của các tỉnh. Điều này lý giải vì sao trên khắp các tuyến phố, luôn có tới hàng trăm taxi sẵn sàng luồn lách, dừng đỗ, chèo kéo khách vô tội vạ và kéo theo đó là cung cách làm ăn kiểu chộp giật.


Anh Trần Văn Tuấn, ở Nam Định, lái xe taxi Hùng Vương khu vực Mỹ Đình bức xúc: Trong khi, taxi chính hãng phải di chuyển đưa đón khách liên tục trong ngày, địa bàn cố định, thì taxi “dù” chủ yếu hoạt động giờ cao điểm, bất chấp thời gian, địa điểm, sẵn sàng tranh khách khi có cơ hội và không chịu sự quản lý của ai…


Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, xe “dù” thường dừng đỗ cả những nơi cấm dừng đỗ để đón trả khách, lái xe thường chèo kéo khách, xe thường chạy luồn lách hoặc khi khách đã lên xe thì chạy lòng vòng, đẩy cước phí cao hơn quy định khiến cho khách hàng rất búc xúc. Chị Xuân Hương, một người dân ở quận Đống Đa cho biết, cùng đi một tuyến đường (từ ga Hà Nội đi phố Xuân Thủy - Cầu Giấy), khi đi xe chính hãng hết khoảng 80.000 - 90.000 đồng nhưng có lần đi xe taxi dù chị Hương đã phải tới 140.000 đồng do lái xe “mua đường”.


Chưa hết, theo các cơ quan quản lý, taxi được coi là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng tắc đường tại Thủ đô hiện nay. Nguyên nhân là do các lái xe taxi thường phóng nhanh, vượt ẩu, vượt làn, thậm chí bắt khách giữa đường... gây cản trở lưu thông. Nhiều tuyến phố đã phải cấm taxi để giảm thiểu tình trạng tắc đường.


Ngăn chặn taxi dù


Tuy diễn biến phức tạp và gây nhiều bức xúc cho người dân nhưng theo Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Hoàng Văn Mạnh thừa nhận, việc xử lý vi phạm của taxi hiện nay rất khó. Các lực lượng chức năng có thể dễ dàng xử lý các lỗi dừng, đón trả khách sai quy định; đồng hồ tính cước không đạt chuẩn. Tuy nhiên, đối với các trường hợp giả phù hiệu, lôgô… thì phải đến các hãng taxi bị giả mạo để xác minh. Sau khi đủ cơ sở mới có thể xử phạt chủ xe. Hơn nữa, theo quy định hiện nay, người nào có giấy phép lái xe ô tô là được lái taxi, không cần chứng chỉ hành nghề. Vì vậy, lái xe sau khi bị phạt vẫn tiếp tục quay lại nghề lái xe vì lợi nhuận cao.


Chánh Thanh tra Bộ GTVT Nguyễn Văn Huyện nhận định: Từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đã ngừng cấp phép hoạt động taxi, nhưng số lượng xe vẫn không ngừng tăng lên. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh taxi tại các tỉnh lân cận rồi đưa về Hà Nội hoạt động. Thực trạng diễn ra đã lâu, gây khó khăn cho công tác quản lý. Đặc biệt, các địa phương đều dễ dãi trong việc cấp phép, tăng số lượng xe taxi, trong khi nhu cầu không tăng.


Theo Thanh tra GTVT Hà Nội, 4 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên hiện có đầu taxi hoạt động tại Hà Nội nhiều nhất. Qua kiểm tra, có xe taxi mang biển kiểm soát Hà Nội, nhưng phù hiệu xe lại do các tỉnh cấp.


Để khắc phục, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng mới có Văn bản số 300/TB-BGTVT chấp thuận việc in phù hiệu xe taxi với màu sắc riêng, cấp cho các đơn vị kinh doanh taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phù hiệu này đảm bảo không phai màu trong quá trình sử dụng và các đơn vị vận tải phải nộp lại phù hiệu cũ khi gia hạn, cấp đổi phù hiệu.


Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, việc cấp phù hiệu riêng cho taxi Hà Nội nhằm để hạn chế các đơn vị đăng ký hoạt động và xin cấp phù hiệu tại các sở GTVT lân cận, sau đó lại đưa xe về Hà Nội hoạt động làm tăng số lượng xe taxi, gây mất trật tự an ninh ở Thủ đô. Qua đó, góp phần hạn chế được tình trạng taxi dù hoạt động lộn xộn như hiện nay.


Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, hiện nay do chưa có luật “taxi tỉnh nào, hoạt động tỉnh đó”, nên việc cấp phù hiệu mới cho taxi Hà Nội chỉ nhằm quản, chứ khó cấm vì không thể xử phạt.


Bài và ảnh: Tiến Hiếu

Hà Nội cấm taxi qua cầu Chương Dương vào giờ cao điểm
Hà Nội cấm taxi qua cầu Chương Dương vào giờ cao điểm

Từ 7/4, xe taxi sẽ bị cấm qua cầu Chương Dương theo hướng Nguyễn Văn Cừ vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN