Hà Nội tu sửa nơi 'an nghỉ' của 'pháo đài bay B52'

Gần 50 năm qua, phần xác máy bay B52 vẫn nằm trong hồ Hữu Tiệp (Hà Nội) là chứng tích lịch sử minh chứng cho một mốc son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của quân và dân ta.

Hồ Hữu Tiệp nằm trên địa bàn phường Ngọc Hà, quận Ba Đình. Nơi đây còn lưu giữ xác máy bay B52 bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm của chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972. Địa điểm này đã được Nhà nước công nhận là khu di tích lịch sử Quốc gia, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Những ngày này, hồ Hữu Tiệp đang được các cơ quan chức năng tu sửa nạo vét; đồng thời xác máy bay B52 trong lòng hồ cũng được bảo dưỡng.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức (TTXVN), xung quanh hồ Hữu Tiệp (quận Ba Đình, Hà Nội) đã được quây bạt, dưới hồ có 2 máy cẩu thực hiện nạo vét bùn. Xác máy bay B52 được đặt trên khung sắt đỡ, một phần của xác máy báy đang được lực lượng chức năng tiến hành các công đoạn di tu, bảo dưỡng.

Video phóng viên báo Tin tức (TTXVN) ghi nhận tại di tích lịch sử Quốc gia hồ Hữu Tiệp-nơi lưu giữ xác máy bay B52 bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội (1972):

Theo anh Trịnh Văn D, công nhân thi công dự án, từ 3 tuần trước, nước hồ đã được rút cạn và nạo vét bùn. Một căn lều được dựng lên cạnh xác máy bay B52 để phục vụ cho công việc bảo dưỡng.

Một cán bộ phường Ngọc Hà cho biết, hồ Hữu Tiệp nằm tại nơi tập trung đông dân cư sinh sống, nhiều người thiếu ý thức hằng ngày vẫn xả rác và chất thải trực tiếp xuống hồ, khiến nước trong hồ bị ô nhiễm nặng. Bên cạnh đó, công trình hồ cũng đã xuống cấp theo thời gian. 

Để thực hiện dự án tu sửa hồ Hữu Tiệp và bảo dưỡng thân máy bay là chứng tích lịch sử, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lưu ý các đơn vị thi công thực hiện thận trọng việc rà phá bom mìn, kết hợp nghiên cứu khảo sát theo phương pháp khảo cổ học để chủ động đề xuất giải pháp xử lý trong trường hợp phát hiện các mảnh vỡ khác của máy bay trong khu vực lòng hồ.

Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình là chủ đầu tư, đơn vị thi công dự án là Liên danh công ty cổ phần tu bổ di tích trung ương-Vinaremon và Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Phương Vinh. Đơn vị giám sát thi công là Công ty cổ phần kiến trúc Sóng Việt.

Chùm ảnh phóng viên ghi nhận tại di tích lịch sử Quốc gia hồ Hữu Tiệp:

Chú thích ảnh
Hồ Hữu Tiệp lưu giữ xác máy bay B52 bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội trong 12 ngày đêm của chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972.
Chú thích ảnh
Một trong những nội dung của dự án tu bổ di tích này chính là việc bảo dưỡng, xây bệ đỡ, bảo quản và trưng bày tại chỗ mảnh xác máy bay B52.
Chú thích ảnh
Một phần của xác máy bay B52 đang được lực lượng chức năng tiến hành bảo dưỡng.
Chú thích ảnh
Chiếc máy bay B52 cuối cùng bị bắn hạ ngày 27/12/1972 trong chiến dịch 12 ngày đêm, cũng là chiếc duy nhất rơi ngay giữa lòng Hà Nội.
Chú thích ảnh
Dự án cũng gồm tôn tạo tường rào, kè xung quanh hồ (phá dỡ và xây lại 34,6m kè đá hộc; phá dỡ và xây lại 152,2m tường rào, lan can đỉnh kè, cửa, thang xuống hồ)....
Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Người dân địa phương hy vọng dự án này sẽ cải tạo lại môi trường, cảnh quan của hồ Hữu Tiệp.
Chú thích ảnh
Lòng hồ Hữu Tiệp xuất hiện nhiều rác thải, vật liệu xây dựng ngổn ngang sau khi hút nước.
Chú thích ảnh
Các đơn vị đã rà phá bom mìn, kết hợp nghiên cứu khảo sát theo phương pháp khảo cổ học để đảm bảo an toàn cho dự án.
Chú thích ảnh
Gần 50 năm qua, phần xác máy bay B52 vẫn nằm giữa hồ Hữu Tiệp là chứng tích lịch sử minh chứng cho một mốc son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Chú thích ảnh
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu dự án tu bổ, tôn tạo phải liên kết mảnh xác máy bay với bệ đỡ, giải pháp bảo quản và bảo dưỡng định kỳ hiện vật trong điều kiện môi trường khu vực.

 

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Tưởng niệm liệt sỹ và nạn nhân thiệt mạng do bom B52 năm 1972
Tưởng niệm liệt sỹ và nạn nhân thiệt mạng do bom B52 năm 1972

Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu khẳng định: Đất nước không bao giờ quên những người con Hà Nội bất khuất đã ngã xuống, hiến dâng cả tuổi thanh xuân, xương máu và cuộc đời mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc và thống nhất đất nước; những người dân Thủ đô đã tử nạn trong chiến tranh, đặc biệt là trong đợt thảm sát bom B52 năm 1972 tại Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN