Hiện trường trang trại của ông Lê Quang Hòa (phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh), nơi chôn lấp chất thải của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Phan Quân/TTXVN |
Đến nay, tại Hà Tĩnh có 7/13 huyện, thị xã, thành phố bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại cấp huyện; 62/62 xã, phường, thị trấn thuộc 7 huyện cũng đã thành lập Tổ xác nhận đối tượng, số lượng thiệt hại và tiến hành rà soát, xem xét thống nhất, lập danh sách đối tượng thiệt hại ở cấp thôn.
Ngay sau khi sự cố môi trường xảy ra làm thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn hộ dân vùng ven biển, tỉnh Hà Tĩnh thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại gồm 18 thành viên do Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng làm Chủ tịch Hội đồng; thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại cấp huyện, thị tại các huyện bị thiệt hại; các xã, phường thành lập Tổ xác nhận đối tượng, hộ gia đình. Trong quá trình thực hiện, người dân tiến hành kê khai để các tổ đánh giá đúng mức thiệt hại, sau đó đưa ra họp và bàn bạc trong nhân dân một cách khách quan, công khai, tránh khiếu kiện và thiếu sót trong quá trình thực hiện.
Các huyện, thị xã đã thống kê có 4.636 tàu cá; 827 ha ao, hồ nuôi, gần 25.000 m3 nuôi lồng bè; 49,7 ha làm muối; 33.149 lao động bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Sau hơn 4 tháng tiến hành kê khai, hầu hết các thôn, xóm đã thống kê, phân loại và lập danh sách theo nhóm đối tượng; tổ chức công bố danh sách đối tượng thiệt hại và phát phiếu kê khai thiệt hại; tiến hành thu phiếu kê khai và tổng hợp số liệu niêm yết công khai theo quy chế dân chủ cơ sở.
Hiện nay, nhiều địa phương tiếp tục tổng hợp, soát xét, xác định, xác nhận đối tượng và số lượng thiệt hại. Các huyện đang tiến hành thẩm định thí điểm một số xã đại diện để rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.
Tại thị xã Kỳ Anh việc thống kê đối tượng thiệt hại do sự cố môi trường được triển khai khẩn trương, công khai minh bạch. Thị xã Kỳ Anh có 55 thôn bị thiệt hại do sự cố môi trường thì nay có 48 thôn đã hoàn thành việc kiểm đếm theo quy định. Các thôn còn lại chưa thực hiện kiểm đếm, trong đó có 4 thôn thuộc xã Kỳ Lợi, 3 thôn còn lại ở xã Kỳ Hà và các xã khác.
Ông Lê Văn Luyện, Chủ tịch xã Kỳ Hà thị xã Kỳ Anh cho biết: Sau khi thành lập các tổ xác nhận đối tượng cấp xã, thôn, chúng tôi đã tiến hành cho nhân dân kê khai, kiểm đếm mức độ thiệt hại và đưa ra trong các cuộc họp thôn để nhân dân đánh giá khách quan và công khai. Tuy nhiên, tại hai thôn Tây Hà và Bắc Hà người dân chưa chịu hợp tác trong kê khai thống kê thiệt hại để có phương án đền bù, hỗ trợ. Đảng ủy, chính quyền cùng với các cấp đoàn thể đang đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hai thôn Tây Hà, Bắc Hà hiểu rõ để kê khai đúng theo quy định.
Trong quá trình tìm hiểu việc thống kê, rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, tại các huyện, thị xã, phường còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn trong việc kê khai, thẩm định. Theo đó, trong quá trình thẩm định kê khai, một số khái niệm, quy định tại các mục trong các văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, không cụ thể, bất cập nên cần có sự hướng dẫn cụ thể.
Hội đồng đánh giá các cấp huyện, thị và các Tổ nắm chắc số lao động thường xuyên và thu nhập chính, không để thiếu sót đối tượng này. Hội đồng đánh giá cấp tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp, yêu cầu các huyện, thị phải thẩm định tuyệt đối chính xác, đúng đối tượng, tránh tình trạng kê sai, đền bù sai đối tượng, gây mất công bằng.
Hội đồng đánh giá thiệt hại các cấp thẩm định đúng đối tượng, đồng thời lấy ý kiến công khai dân chủ từ cơ sở, thôn xóm. Việc thẩm định phải rà soát thật kỹ nhiều lần và công khai tại cơ sở để tránh sai sót, khiếu nại.