Những ngày gần đây, Hải Dương nắng nóng gay gắt, có ngày nhiệt độ đến độ C. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Lĩnh ở thôn Cam Đông, xã Tuấn Việt, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương không quá lo lắng cho đàn gà lai chọi của gia đình. Đàn gà vẫn phát triển khỏe mạnh nhờ ông sớm chủ động các biện pháp chống nóng.
Trang trại của gia đình ông Lĩnh gồm 3 chuồng trại được xây dựng trên đất đấu thầu, nằm cách xa khu dân cư, gần cánh đồng, đang nuôi 7.000-10.000 con gà thịt. Trong chuồng, ông lắp quạt điện treo tường và bật điện 24h/7. Theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, ông Lĩnh dùng chế phẩm sinh học để xử lý phân chuồng giúp chuồng hạn chế mùi hôi, đảm bảo thoáng mát và vệ sinh.
Cả 3 chuồng trại ông Lĩnh đều lắp hệ thống vòi dẫn nước phun trên mái và lắp nhiều quạt điện treo tường bên trong chuồng giúp làm giảm nhiệt độ trong chuồng nuôi. Ngày nào ông Lĩnh cũng bơm nước phun đều trên mái chuồng trang trại. Thời gian mở vòi nước từ 8 giờ sáng tới 4 giờ chiều. Có ngày nắng gắt, hệ thống phun nước hoạt động hết công suất từ sáng sớm đến 5 rưỡi chiều. Riêng hệ thống quạt được bật liên tục. Tháng 4, gia đình ông tốn 5 triệu đồng tiền điện để duy trì hoạt động hệ thống làm thoáng mát cho chuồng trại.
Các chuồng trại của gia đình ông Lĩnh nằm trong khuôn viên rộng khoảng 14.000 m2. Hàng chục cây cau được ông trồng từ nhiều năm trước nhằm mục đích che chắn, giảm bớt tác động của ánh nắng gay gắt xuống chuồng trại.
Ngoài ra, nắm bắt được diễn biến thời tiết mùa hè năm nay rất khắc nghiệt, gia đình ông đã giảm mật độ nuôi so với thời điểm bình thường. Nếu điều kiện nuôi thuận lợi, ông Lĩnh thả nuôi khoảng 2.000 con gà mái và 2.000 con gà trống. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, ông cho biết sau lứa gà xuất chuồng, ông sẽ giảm khoảng 50% lượng gà vào chuồng. Việc nuôi nhốt với mật độ vừa phải để tạo sự thông thoáng trong chuồng nuôi, giúp đàn gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt.
Tại các trang trại chăn nuôi hiện đại theo hệ thống chuồng kín, các chủ trang trại lắp đặt quạt thông gió để luôn tạo không khí mát mẻ bên trong chuồng. Theo kinh nghiệm chăn nuôi các hộ nông dân cho biết, những ngày nắng nóng, quá trình trao đổi chất, tiêu hóa hấp thu của con vật bị rối loạn, làm giảm khả năng thu nhận thức ăn nên cần bổ sung dinh dưỡng vào thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Trước mùa nắng nóng, UBND huyện Tứ Kỳ đã có văn bản kịp thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn các hộ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi và diện tích nuôi thủy sản trong thời tiết nắng nóng; chỉ đạo cơ cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát và phát hiện kịp thời các hiện tượng dịch bệnh phát sinh để xử lý.
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chống nóng và phát hiện dịch bệnh cho đàn vật nuôi; phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường giám sát dịch bệnh trong chăn nuôi - thủy sản…
Được sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và UBND huyện, các hộ nông dân xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ cũng áp dụng nhiều biện pháp chống nóng trong chăn nuôi - thủy sản. Ông Phạm Văn Huỳnh ở thôn An Định, xã An Thanh cho biết, các hộ chăn nuôi thủy sản trong xã áp dụng những cách như: dùng lưới, bèo để che mặt ao; sục khí và tăng mực nước trong ao. Đồng thời, các hộ nuôi cũng tính toán mật độ thả cá phù hợp với diện tích ao của gia đình. Các hộ chăn nuôi lợn dùng quạt điện và phun nước trên mái chuồng, kết hợp che chắn bằng lưới để tạo độ mát cho chuồng trại nuôi.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm nay nắng nóng đến sớm và gay gắt hơn những năm trước. Cùng với nắng nóng có thể xuất hiện các đợt mưa giông đột ngột, làm cho các yếu tố môi trường thay đổi khó lường, gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của vật nuôi.
Để chủ động ứng phó với các hiện tượng bất thường của thời tiết và hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến đàn vật nuôi, ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Dương) cho biết, Chi cục đã sớm có hướng dẫn bà con một số biện pháp chống nóng, bảo vệ đàn vật nuôi. Chi cục đề nghị các cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố, thị xã thông tin, phổ biến, hướng dẫn cho người chăn nuôi.
Theo đó, chuồng trại cần được đảm bảo thông thoáng, cân bằng dưỡng khí trong chuồng nuôi. Với chuồng nuôi khép kín, cần kiểm tra hệ thống quạt, cửa sổ các chuồng, phun sương trên mái chuồng, có phương án dự phòng cho sự cố mất điện.
Chi cục cũng lưu ý bà con thường xuyên kiểm tra, đảm bảo lượng nước uống cho vật nuôi và nuôi đúng mật độ, không chăn thả và tắm cho gia súc vào các khung giờ nắng nóng, chỉ nên chăn thả trong khoảng khung giờ 6-9 giờ và 16-18 giờ. Chế độ dinh dưỡng cho đàn vật nuôi cần được đảm bảo; trong đó, chú ý tăng chất béo, giảm tinh bột để hạn chế quá trình sinh nhiệt của vật nuôi; cho thức ăn tinh vào sáng sớm và chiều tối, bổ sung vitamin C và điện giải vào nước uống, thay nước mới cho vật nuôi...
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng lưu ý các hộ chăn nuôi tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm đúng thời điểm và nên tiêm vào sáng sớm hoặc chiều tối, bổ sung điện giải và vitamin sau khi tiêm vắc xin. Đồng thời, cần thu dọn, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng, khơi thông cống rãnh xung quanh khu chăn nuôi để giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Hiện nay, tỉnh Hải Dương có khoảng 16,2 triệu con gia cầm, 422 nghìn con lợn. Từ đầu năm đến nay, ngành thú y đã triển khai tiêm phòng bệnh cho gia súc, gia cầm với 131.740 liều vắc xin phòng dịch tả lợn, trên 100.890 liều vắc xin phòng tụ dấu lợn, trên 3,4 triệu liều vắc xin cúm gia cầm...