Hiện tại, bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện ở 9/22 xã của huyện Bình Sơn, với 62 con bò có triệu chứng của bệnh, trong đó đã có 4 con chết. Còn dịch lở mồm long móng được phát hiện tại 2 xã Bình Chánh và Bình Phước của huyện Bình Sơn với 36 con bò và 4 con lợn nhiễm dịch.
Sau khi phát hiện gia súc có các triệu chứng bệnh, người chăn nuôi đã báo với chính quyền địa phương và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Chi cục Thú y huyện Bình Sơn đã trực tiếp kiểm tra, đồng thời chỉ đạo cán bộ chuyên môn cấp xã tiến hành cách ly số gia súc bị mắc bệnh, tập trung theo dõi chữa trị, đồng thời cấp hóa chất phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột tại các khu vực chuồng trại có tiềm ẩn nguy cơ cao.
Ông Ngô Văn Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn cho hay: Thời tiết tại Quảng Ngãi hiện đang diễn biến phức tạp, nắng mưa thất thường, ngày nắng đêm lạnh ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi, nguy cơ dịch bệnh tăng cao.
Để kịp thời khống chế dịch bệnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã chủ động, phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã tiến hành triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch theo quy định như: kiểm tra, khoanh vùng ổ dịch khi phát hiện dịch bệnh xảy ra; cấp vaccine, hóa chất để tiêm phòng bao vây và khử trùng tiêu độc môi trường vùng dịch; hướng dẫn nhân dân thực hiện biện pháp chăm sóc, phòng chống dịch lây lan; thường xuyên theo dõi, giám sát và báo cáo tình hình dịch bệnh.
Tỉnh Quảng Ngãi có đàn trâu bò khoảng 340.000 con, đàn lợn với hơn 0.000 con. Sau khi phát hiện dịch bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục tại huyện Bình Sơn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch, khẩn trương tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Toàn tỉnh đã triển khai tiêm vaccine đợt 1/2023, đồng thời hỗ trợ người dân phun thuốc tiêu độc sát sát trùng chuồng trại.
Ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Đến nay những ổ dịch tại huyện Bình Sơn đã được xử lý, không để lây lan trên diện rộng. Thời gian tới, Chi cục đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng-chống dịch bệnh động vật; tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý, hạn chế lây lan ra diện rộng; tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng và chủ động ứng phó với những điều kiện bất lợi của thời tiết.
Riêng tại 5 huyện miền núi của tỉnh, đồng bào dân tộc thiểu số thường có thói quen chăn nuôi trâu bò thả rông trên rừng nên việc tiêm phòng rất khó khăn. Do đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chỉ đạo ngành Thú y các huyện miền núi tuyên truyền, vận động bà con đưa gia súc về nhà để tiêm phòng đầy đủ.