Theo đó, các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; rà soát, sẵn sàng thực hiện các phương án, kế hoạch ứng phó với bão đã được phê duyệt. Các địa phương, đơn vị thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến.
Đồng thời, các địa phương, đơn vị chủ động điều tiết nước phòng, chống ngập úng, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp; sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp. Kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, công trình phòng, chống thiên tai, các công trình đang thi công, các khu nhà cũ, yếu; sẵn sàng thực hiện xử lý các sự cố theo phương châm "4 tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản.
Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước Hải Phòng rà soát, sẵn sàng thực hiện phương án đảm bảo tiêu thoát nước khu vực đô thị trong trường hợp xảy ra mưa lớn.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chỉ đạo thực hiện đảm bảo công tác phòng, chống bão tại các khu, cụm công nghiệp quản lý.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố) thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về diễn biến của bão và các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố các nội dung cần chỉ đạo để ứng phó và khắc phục hậu quả của bão.